Công an phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đang điều tra, xác minh đơn tố cáo của 11 chủ ôtô tại khu đô thị Trung Văn bị tạt sơn trong đêm.
Chủ các phương tiện cho biết họ đỗ xe tại lòng đường nhưng ở trong khu vực nội bộ khu đô thị, không có biển cấm dừng, đỗ.
Vậy, người tạt sơn các phương tiện trên bị xử lý thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội
Sẽ có rất nhiều lý do cho những hành động trên. Nhưng dù xuất phát từ mục đích răn đe, giáo dục, trả thù hay cảnh cáo thì hành vi cố ý tạt sơn, bôi bẩn vào xe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Xe thuộc tài sản của chủ sở hữu, vì vậy, hành vi cố ý làm hư hỏng và phá hoại tài sản của người khác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ thiệt hại mà người thực hiện hành vi này phải sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính và nhất định sẽ phải bồi thường dân sự.
Cụ thể, nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng thì người thực hiện tạt sơn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Mức phạt tối đa 5 triệu đồng.
Nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù và phải bồi thường thiệt hại cho bị hại.
Nếu người dân thấy lái xe có hành vi đỗ xe sai quy định, có thể nhắc nhở hoặc báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để xử lí vi phạm đối với chủ sở hữu xe. Tuyệt đối không được xâm hại, tạm giữ hoặc phá hoại tài sản của người khác, đó là hành vi vi phạm pháp luật.