Đây là khẳng định của ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên trên sàn HoSE từ đầu tháng 6.
Theo vị Phó chủ tịch UBCK, hệ thống giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã xảy ra tình trạng nghẽn lệnh từ cuối năm 2020, và đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm.
Trước đó, UBCK và HoSE đã áp dụng một số biện pháp tạm thời như tăng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh, chuyển giao dịch tự nguyện sang HNX, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE và cải biến kỹ thuật… cũng đã giúp hệ thống hoạt động cải thiện trong thời gian qua.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Baodautu.vn. |
Áp dụng giải pháp cấp bách nếu cần thiết
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, tình trạng nghẽn lệnh đã tái diễn, thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của HoSE, buộc Sở này phải ngừng giao dịch phiên chiều 1/6.
“Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường, có tiến triển tốt khi HoSE và các công ty chứng khoán thành viên đưa ra giải pháp mới”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo UBCK cho biết hiện tại, HoSE và các đơn vị liên quan đang triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường của KRX. Hiện hệ thống phối hợp với FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.
“Tuy nhiên, từ nay đến khi hệ thống phối hợp với FPT xây dựng đi vào vận hành, việc đảm bảo cho hệ thống của HoSE giao dịch không bị gián đoạn vẫn là ưu tiên hàng đầu”, Phó chủ tịch UBCK nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo cũng cho biết đây là công tác được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có chỉ đạo. Hiện các đơn vị liên quan đã họp để vừa tiến hành rà soát vừa đưa ra các giải pháp cấp bách sẽ áp dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể cho hệ thống giao dịch hiện tại của HoSE.
Phó chủ tịch UBCK khẳng định dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán không chỉ đến từ dư nợ margin tăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lý giải về dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán khiến thanh khoản tăng đột biến gần đây, ông Sơn cho biết dòng tiền vào thị trường bằng nhiều kênh khác nhau, nhưng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước.
“Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn… là những nguyên nhân giúp dòng tiền tìm đến với thị trường chứng khoán thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền gia tăng không chỉ đến từ margin”, ông Sơn nhấn mạnh.
Dư nợ margin vượt 112.000 tỷ đồng
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán cũng cho biết dư nợ margin đã liên tục tăng thời gian qua. Cụ thể, đến 31/5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng, tăng 39% so với cuối năm 2020 và cao hơn 11% so với cuối quý I.
“Một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần. Tuy nhiên, việc thị trường tăng trưởng mạnh khiến dư nợ margin tăng cũng là điều dễ lý giải”, Phó chủ tịch UBCK nói.
DƯ NỢ CHO VAY MARGIN CỦA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN | |||||||||||||||
Nguồn: Fiingroup, UBCK | |||||||||||||||
Nhãn | I/2018 | II | III | IV | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | 31/5 | |
Dư nợ cho vay margin | tỷ đồng | 33000 | 42800 | 38900 | 39400 | 42600 | 48400 | 52700 | 54900 | 47900 | 52800 | 61700 | 80900 | 101400 | 112100 |
Hiện nhiều công ty chứng khoán đã có kế hoạch tăng vốn để có nguồn phục vụ nhu cầu cho vay thời gian tới.
Ông Sơn cho rằng dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, nhưng việc con số này tăng liên tục và dự báo còn tăng nữa thì cần phải tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay đúng pháp luật, an toàn cho hệ thống.
Thời gian tới, UBCK sẽ tăng cường giám sát từ xa, kiểm tra, thanh tra trực tiếp hoạt động huy động vốn, cho vay ký quỹ, cũng như việc đảm bảo an toàn các chỉ tiêu tài chính của các công ty chứng khoán.
Theo lãnh đạo UBCK, thị trường chứng khoán tăng trưởng là tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là “hàn thử biểu” của nền kinh tế nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của thị trường chứng khoán nói riêng.
Tuy nhiên, việc duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua cũng đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.
Theo ông Sơn, thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ, lớn nhất trong đó là dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu.
“Diễn biến của thị trường về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế”, ông nói.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBCK cho rằng mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.