Bên cạnh SIM rác, lộ lọt dữ liệu cá nhân, tin giả cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi trả lời chất vấn, thuộc phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8.
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) muốn nghe giải pháp để ngăn chặn tin giả, gây hoang mang trong quần chúng. Theo đại biểu, thông tin sai sự thật được phát tán tràn lan trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận việc tồn tại nhiều thông tin không đúng sự thật trên Internet. Bộ trưởng cho biết tin giả chủ yếu xuất hiện trên các website xuyên biên giới. Do đó, việc gỡ bỏ được làm việc thông qua các nền tảng này.
Cụ thể, việc xử lý với các ứng dụng như Facebook, YouTube đã được cải thiện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ nền tảng đa quốc gia tăng từ mức 20% vào 2018, lên 90-95% ở hiện tại.
Ngoài ra, Bộ trưởng TT&TT cho biết về mặt thể chế, một số nghị định quản lý nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và bắt đầu được ban hành từ quý III. Bộ trưởng cho biết có khoảng 5.000 tin, video sai sự thật bị bóc gỡ trước năm 2018. Hiện tại con số tăng lên 20 lần, đạt 100.000 tin, video.
Đồng thời, Bộ TT&TT đã vận hành Trung tâm An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) để phát hiện sớm các thông tin sai sự thật. Khả năng xử lý của trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin/ngày lên 300 triệu tin/ngày.
Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam cũng được Bộ TT&TT thành lập vào năm 2021 nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về các thông tin sai sự thật. "Việc bóc gỡ tin giả giống như dọn rác trên không gian mạng”, Bộ trưởng TT&TT cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc dọn rác mạng không là trách nhiệm của riêng Bộ TT&TT hay Bộ Công an. Đây là công việc chung của cả người dân và các ban ngành địa phương.
Từ đầu năm 2022, hàng trăm vi phạm về phát tán tin giả đã được ghi nhận và xử lý. Trong đó, một số trường hợp có dấu hiệu hình sự đã được chuyển sang Bộ Công an giải quyết.
Đồng thời, Bộ TT&TT cho biết đã phát hành bộ quy tắc ứng xử trên nhằm xây dựng các chuẩn mực hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, phát ngôn, phát tin trên Internet.
"Trên mạng xã hội, người dùng không phải vô danh mà là định danh để phát ngôn có trách nhiệm hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.