Các nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu khai tử pin rời trong các mẫu điện thoại của mình. Apple từ lâu đã nói không với pin rời. Samsung đã ngưng sử dụng pin rời từ năm 2014 khi cho ra đời mẫu điện thoại cao cấp Galaxy S5 và Galaxy Note 4. Trong khi đó, LG là một trong những công ty cuối cùng từ bỏ pin rời sau chiếc G5 ra đời vào năm 2016.
Năm 2014, Samsung ngưng sử dụng pin rời từ mẫu Galaxy Note 4. Ảnh: The Verge |
Không thể phủ nhận các ưu điểm của pin rời. Nhưng nếu so sánh với lợi ích mà các mẫu điện thoại nguyên khối mang lại, thì những nhà sản xuất trên đã quyết định hàn pin vào trong máy bởi những lý do dưới đây.
Mang lại thiết kế sang trọng hơn
Ưu điểm về thiết kế của điện thoại nguyên khối là không có những rãnh nhỏ, khe hở dùng cho việc đóng mở nắp hay tháo lắp pin trong những dòng điện thoại truyền thống. Điều đó tạo cho người dùng cảm giác sản phẩm trông đẹp, mỏng gọn và chắc chắn hơn.
Một số ví dụ điển hình về tính thẩm mỹ và sang trọng của thiết kế nguyên khối là ở các sản phẩm như iPhone, Lumia, Samsung Galaxy Note và Sony Xperia.
Gia tăng khả năng chịu nước và thời tiết
Thiết kế nguyên khối bảo vệ linh kiện điện thoại tốt hơn. Không gian điện thoại ít khe hở hạn chế tối đa tốc độ thâm nhập của các yếu tố bên ngoài như nước và bụi. Vì thế, điện thoại sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu chẳng may bị rơi xuống môi trường nước. Chưa kể thiết kế này còn hạn chế bụi hoặc cát thâm nhập làm hỏng linh kiện bên trong máy.
Điện thoại nguyên khối gia tăng khả năng chống nước. Ảnh: Sony |
Tối ưu phần cứng
Pin rời chiếm nhiều diện tích hơn trong thân máy vì chúng cần lớp vỏ bảo vệ để tránh tác động từ bên ngoài. Điều này làm cho máy dày lên, và tất nhiên trong bối cảnh điện thoại mỏng đang chiếm ưu thế, chỉ tăng 1 mm vỏ cũng khiến nhà sản xuất mất lợi thế cạnh tranh.
Thay vì lãng phí không gian cho lớp bảo vệ, nhà sản xuất có thể tận dụng không gian này để tối ưu hóa những tính năng khác. Họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc cải thiện hệ thống loa, camera, sạc không dây, miếng đệm bổ sung để tăng khả năng chịu nước, cảm biến vân tay ở mặt lưng…
Thời lượng pin lâu hơn
Các loại pin hiện nay trong điện thoại nguyên khối thường được thiết kế để lưu trữ nhiều năng lượng hơn thông qua nhiều hình thù khác lạ mắt. Ví dụ: LG G2 sử dụng một loại pin bậc thang để có thể tận dụng tối đa thiết kế cong ở các cạnh cho việc lưu trữ năng lượng. iPhone X thì sử dụng pin hình chữ L độc đáo, gồm 2 cell pin ghép lại.
Pin chữ L của iPhone X. Ảnh: iFixit |
“Cell pin tách rời cung cấp năng lượng độc lập cho mỗi linh kiện có thể giúp các thiết bị di động bền, nhẹ và mỏng hơn nhưng đạt được sự cân bằng trong thiết kế”, Steve Jobs, CEO quá cố của Apple từng phát biểu. Mặt khác, khi thiết bị di động gặp lỗi hay hỏng hóc thì có thể nhanh chóng phát hiện và thay thế dễ dàng các cell pin này.
Nâng cao độ bền
Các mẫu điện thoại nguyên khối sở hữu độ bền khá cao. Pin của máy sẽ không bị lung lay hay bật ra trước các va chạm nhẹ hoặc trong lúc rơi. Mặt khác lớp vỏ kính có khả năng giữ nguyên các đặc điểm linh kiện bên trong hạn chế tác động lên điện thoại khi nó được xoay với cường độ cao.
Xu thế tất yếu của thị trường
Khi cân nhắc nhu cầu kinh tế lẫn thẩm mỹ, thiết kế nguyên khối sẽ từng bước thống lĩnh ngành công nghiệp điện thoại. Xét về yếu tố người dùng, họ luôn mong muốn những mẫu điện thoại tinh giản và nhẹ. Trong khi đó, công nghệ luôn ưu tiên những thiết kế tinh xảo và việc gia công nguyên khối ngày càng dễ dàng nhưng có chi phí thấp.
Với các lợi ích của điện thoại nguyên khối về kinh tế lẫn mang lại sự hài lòng cho người dùng nói trên, xu hướng thiết kế này sẽ được áp dụng triệt để trong tương lai không xa.