Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Xu hướng bỏ phố ra đảo sống hoang dã, lặn biển, bắt cá

Thay vì đi du lịch ngắn ngày, Xuân Định, Hà Phạm, Thu Quỳnh chọn lưu trú lâu dài trên đảo để trải nghiệm cuộc sống. Đây là xu hướng mới của nhiều người trẻ sau bỏ phố về rừng.

Bo pho ra dao anh 1

Nguyễn Xuân Định (27 tuổi) từng là kỹ sư lập trình mảng ôtô cho công ty công nghệ, thuộc tập đoàn đa quốc gia ở TP.HCM. Qua những chuyến công tác nước ngoài, anh nhận ra bản thân mê xê dịch, thích cuộc sống bán du mục và trải nghiệm văn hóa ở vùng đất mới.

Năm 2020, Định nghỉ việc, về nhà ở Khánh Hòa vì không muốn bị cuốn theo vòng xoáy bận rộn. Tìm hiểu về Phú Quý (Bình Thuận) từ lâu nhưng tới tháng 4 vừa qua, anh mới có thể thu xếp để đặt chân tới hòn đảo hoang sơ này.

Ban đầu, Định tính lưu lại đây khoảng một tháng. Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, anh chưa chán cuộc sống trên đảo. Thậm chí, chàng trai còn bén duyên với nghề dẫn tour cho khách du lịch.

“Có lẽ mình hợp với cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên mà ở đây có đầy đủ. Hơn nữa, mình còn chưa khám phá hết hoạt động trên đảo như đi bắn cá, câu mực hay phong tục tập quán của người dân”, anh nói.

Thay đổi tích cực

Định cho hay thời gian sinh hoạt và môi trường làm việc của anh khác hoàn toàn so với khi còn ở thành phố.

“Thay vì hít khói bụi và kẹt xe, mình được hít thở không khí trong lành và tận hưởng làn gió biển mát mẻ. Thay vì ngồi văn phòng 8-14 tiếng, mình dành thời gian đi bộ, bơi, lặn cả ngày. Thay vì phải căn đo đong đếm ngày phép, giờ mình như nghỉ dưỡng toàn thời gian”, anh kể.

Theo Định, ưu điểm khi sống trên đảo là dễ dàng tới nơi khiến bản thân thoải mái tinh thần và xả stress, ví như chỉ cần đi 500 m là ra đến biển. Địa điểm thư giãn yêu thích của anh là Dốc Phượt, Bãi Nhỏ, vịnh Triều Dương, bờ kè bãi Lăng.

Ở thành phố, Định tốn khoảng 10 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, còn trên đảo anh chỉ cần 5 triệu đồng. Môi trường mới cũng giúp chàng trai có thêm kiến thức về sinh vật biển, học nhiều kỹ năng như bơi, lặn.

Với Định, việc sống trên đảo chỉ có nhược điểm là di chuyển khó khăn hơn sang các tỉnh khác. Bên cạnh đó, giá thịt hay các loại nông sản đắt hơn ở đất liền do ở đây chưa tự cung tự cấp được.

Từng về quê sống sau khi nghỉ việc, Định thấy trải nghiệm khá tương đồng với ở đảo vì nhà anh chỉ cách biển 15 km. Tuy nhiên, Phú Quý nhộn nhịp hơn khi có sự hiện diện của khách du lịch. Nguồn thực phẩm cũng khác khi dồi dào hải sản nhưng thiếu vắng các món trên cạn. Ngoài ra, tiện nghi như điện hay Wi-Fi đều không phải nỗi lo.

Từ không có bạn bè trên đảo, Định làm quen với nhiều người là hướng dẫn viên địa phương. Vốn có khả năng lặn và kinh nghiệm tham gia môn thể thao dưới nước, anh được giao phó mảng chèo SUP, lặn biển ngắm san hô cho khách du lịch.

Định cũng kết nối với các bạn trẻ có chung lựa chọn ra đảo sống dài ngày. Tuy nhiên, do còn mới mẻ, chưa có cộng đồng nào được hình thành.

Làm trong lĩnh vực thiết kế với tính chất công việc tự do, Hà Phạm (Hà Mò) thường đi đây đó để tìm cảm hứng mới và thỏa đam mê du lịch. Cô từng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận) vài tháng để trải nghiệm. Đảo Phú Quý là nơi hoang sơ nhất cô từng sống.

Từ chuyến đi chơi 4 ngày, Hà ở lại tới 4 tháng trên đảo. Cô cho biết điều níu kéo mình là những con đường quen, bãi biển nhỏ. Hà kết bạn với người dân địa phương và được cùng họ đi lặn biển, bắn cá, câu mực, chĩa cá đêm.

“Vào mùa du lịch và đi biển, bạn bè bận rộn hết mình mới về lại đất liền. Cả người và cảnh vật đều dễ thương nên dù đi nơi khác sống, mình vẫn quay lại đảo”, cô nói.

Với Hà, thay đổi lớn nhất khi sống trên đảo là sức khỏe. Ở TP.HCM hay Hà Nội, cô không có động lực dậy sớm và thiếu không gian thoải mái để khiến bản thân muốn chạy bộ, đi bơi mỗi ngày.

Việc thay đổi thói quen sinh hoạt giúp Hà khỏe mạnh và cơ thể rắn chắc hơn. Tuy nhiên, đôi khi vì quá ham biển, cô làm việc không năng suất bằng lúc ở thành phố.

“Về vấn đề ăn uống, mình yên tâm vì hải sản luôn tươi sống. Chi phí sinh hoạt mình nghĩ không khác nhiều, ví như thuê phòng ở và xe trên đảo khoảng 4 triệu đồng/tháng cũng bằng phí trả tiền nhà ở Hà Nội. Có chăng là không có chỗ ăn uống sang chảnh hay hình thức giải trí như ở thành phố nên sẽ tiết kiệm được những khoản đó”, cô kể.

Lặn biển là một phần trong cuộc sống của Hà. Cô thử sức với bộ môn này từ tháng 2 và nhanh chóng có kỹ năng thành thục.

Những hình ảnh, clip lặn biển ở Phú Quý giúp Hà thu hút sự chú ý và được đặt cho biệt danh “nàng tiên cá”. Tuy nhiên, cô cho rằng mình cần luyện tập nhiều hơn để đạt được ước mơ đó.

Ở đây, Hà cũng gặp một số bạn trẻ bỏ phố ra đảo sống và làm việc freelance giống mình, thậm chí có người trở thành tour guide, có người làm về bất động sản vài tháng rồi về. Mọi người hầu hết quen qua mạng xã hội và kết bạn với nhau.

Xu hướng mới

Cũng chán nản với công việc văn phòng gò bó, Trần Thu Quỳnh (Hà Nội) xin nghỉ vào tháng 4, dành thời gian đi du lịch kết hợp làm freelancer.

Sau một tháng ở Đà Lạt, Quỳnh cùng một người bạn đến đảo Phú Quý. Vì quá yêu nơi này, cô ở lại 2 tháng, trải nghiệm cuộc sống bình dị như dân biển thực thụ.

“Tại hòn đảo nhỏ này, mình nhận được những điều tuyệt vời. Đó là sự thân thiện, nhiệt tình, chân thành của cư dân địa phương. Mọi người coi mình như con, hay hỏi thăm và mời mình qua nhà ăn cơm. Mình cũng được theo chân họ đi bắt nhím biển, đào còng, đơm cá, câu mực”, cô kể.

Với Quỳnh, cuộc sống trên đảo so với khi còn ở thành phố không thay đổi quá nhiều. Về cơ bản, cô vẫn làm việc từ xa và đi chơi khi rảnh rỗi.

Thế nhưng, sự khác biệt là Quỳnh được khám phá những thứ lạ lẫm và hiểu được văn hóa, lối sống địa phương. Cuộc sống yên bình đến nỗi mọi người có thể bỏ xe máy mọi nơi, cắm chìa khóa mà chẳng bao giờ mất.

“Về chi phí, mình thấy hải sản rẻ hơn, còn lại không chênh lệch quá nhiều so với ở phố. Một số loại rau củ, hoa quả thì có chút đắt hơn. Nhưng trên đảo, sinh hoạt sẽ tiết kiệm hơn vì đến đó, tự nhiên nhu cầu của mình trở nên đơn giản hơn, bớt mua sắm những thứ không cần thiết”, cô nói.

Quỳnh cho hay vì đảo nhỏ, mọi người dễ dàng biết, nghe nói về nhau và có bạn chung. Do đó, cô có cơ hội gặp gỡ nhiều người chọn bỏ phố ra đảo sống như mình. Dù công việc và độ tuổi khác nhau, họ dễ kết nối nhờ có chung sở thích về cuộc sống bình yên.

“Hàng ngày đến bữa, ai rảnh thì ra ăn với nhau. Tối ở quán cà phê, ai không bận thì ngồi hàn huyên. Thỉnh thoảng, chúng mình qua nhà nhau nấu cơm, chiều đi tắm biển, tối ra bờ biển ngắm trăng, cắm trại, bắt nhum, bắt ốc. Đó là những kỷ niệm khó quên”, cô kể.

Quỳnh cho rằng xu hướng mới của người trẻ là đi tìm sự bình yên. Năm sau, cô muốn đặt chân đến những hòn đảo hoang sơ, ít người biết tới. Còn hiện tại, cô chuẩn bị lên núi, về rừng, khám phá cuộc sống vùng cao.

Từ kinh nghiệm bỏ phố ra đảo của bản thân, Quỳnh khuyên mọi người không cần quá lo lắng vì ở đó có đầy đủ mọi thứ.

Hà Phạm cũng đồng tình rằng sắp tới, nhiều bạn trẻ sẽ chọn bỏ phố ra đảo vì xu hướng làm tự do, sống du mục ngày càng phổ biến. Hàng ngày, cô nhận được khá nhiều tin nhắn nhờ chia sẻ kinh nghiệm.

“Khi xác định rời phố về đảo, mọi người nên chuẩn bị tinh thần đón nhận làn da 'bánh mật' khỏe khoắn và năng động. Ngoài ra, trên đảo hầu như muốn mua gì cũng có và có thể đặt hàng online bình thường. Để trải nghiệm được trọn vẹn, mọi người có thể đi trong khoảng thời gian tháng 2 tới tháng 8, lưu ý tránh mùa gió Bấc. Những ai đi một mình vẫn nên cẩn thận địa điểm vắng vẻ và có phương án tự vệ”, cô nói.

Với Xuân Định, bỏ phố ra đảo sẽ được ưa chuộng hơn trong nhiều năm tới bởi xu hướng bỏ phố về rừng ra đời trước và có vẻ không còn sức hút như ban đầu.

“Trên đảo hiện tại tiện nghi đầy đủ, mọi người hầu như sẽ có cuộc sống tương đồng với ở phố nhưng bớt bụi xe, không khí trong lành và cảnh quan đẹp hơn”, anh nói.

Sau Phú Quý, Định lên kế hoạch đi Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Sau đó, nếu có đủ kinh phí, anh tiếp tục khám phá Bali (Indonesia), Philippines, Thái Lan, Kyrgyzstan và hơn thế nữa.

“Mình thích bơi lặn và không khí biển nên sẽ tập trung đi chủ yếu ở vùng biển. Vào mùa gió hoặc biển động, mình đến với thảo nguyên xanh để cưỡi ngựa và bắn cung. Dù lên rừng hay ra đảo, mọi người nên làm quen trước qua mạng với bạn bè làm ở lĩnh vực mình mong muốn, như vậy sẽ dễ dàng kiếm việc sớm để trang trải cuộc sống. Trước khi đi, các bạn nên chuẩn bị tiền sinh hoạt 2 tháng để phòng trường hợp xấu nhất là không có việc thời gian đầu”, anh khuyên.

Đôi Việt - Mỹ bỏ phố về rừng, ở tại 'thung lũng của người sống thọ'

Ở nơi nổi tiếng là thung lũng của những người sống thọ, anh Đức - chị Hanna có cuộc sống đơn giản. Họ mặc quần áo cũ, không có nhu cầu mua sắm và tập trung nuôi dạy con gái.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm