Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Xóa đi làm lại’ sự nghiệp sau dịch

2,5 năm theo nghề tiếp viên hàng không nhưng nghỉ nhiều hơn đi làm, K.N. buộc phải từ bỏ, tập trung cho công việc mới. Cô không thể chờ đợi thêm.

Xoa di lam lai su nghiep sau dich anh 1

Trước dịch Covid-19, K.N. (29 tuổi, Nha Trang) trở thành tiếp viên hàng không với hy vọng có thu nhập tốt và thỏa mãn đam mê đi đó đây.

Ban đầu, cô đặt mục tiêu đi bay 3 năm rồi thăng tiến lên tiếp viên trưởng, sau đó chuyển sang huấn luyện nghiệp vụ.

Tuy nhiên, đại dịch bùng phát khiến mọi kế hoạch của K.N. bị đảo lộn.

“Mình theo đuổi nghề tiếp viên hàng không trong khoảng 2,5 năm tính từ lúc training. Thế nhưng, dịch ập tới đã gần 2 năm nên mình không có cơ hội đi bay nhiều. Đỉnh điểm là đợt dịch thứ 4, mình phải nghỉ gần 6 tháng. Mình có tiền tiết kiệm và người thân hỗ trợ nên không quá khó khăn. Tuy nhiên, mình cũng không thể sống mãi như vậy. Dù còn đam mê, mình cắn răng bỏ nghề vì còn phải mưu sinh”, cô nói với Zing.

Xoa di lam lai su nghiep sau dich anh 2

Dù còn yêu nghề, K.N. cũng như nhiều đồng nghiệp phải nghỉ việc để tìm hướng đi mới vì mòn mỏi chờ ngành hàng không hồi phục. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Ngày 15/11, K.N. chính thức nghỉ việc, chuyển sang làm cho công ty ở Malaysia. Trước đó, cô nộp CV, trải qua vòng phỏng vấn và được training trong khoảng một tháng.

Hiện, K.N. làm việc online. Cô dự định bay qua Malaysia vào giữa tháng 12 vì nhân viên ở đây được trở lại văn phòng từ tháng 1/2022.

Điều khiến K.N. tiếc nuối khi chia tay công việc tiếp viên hàng không là phải trải qua quá trình training vất vả mới có thể theo nghề.

Tuy vậy, cô khẳng định: “Nếu biết dịch kéo dài lâu đến thế, mình đã nghỉ việc sớm hơn. Đi làm gì đó kiếm tiền rồi khi nào ngành hàng không ổn định trở lại, có duyên thì mình quay lại chứ cứ mãi níu kéo nghề không biết khi nào mới được như xưa chỉ tốn thời gian”.

Theo K.N., mỗi ngày, cô đều nghe tin có tiếp viên xin nghỉ việc. Mọi người thường chuyển qua bán hàng online hoặc làm nhân viên tư vấn bất động sản, bảo hiểm.

Tương tự, hậu Covid-19, sự thay đổi của nhiều ngành nghề khiến không ít bạn trẻ phải xóa đi, làm lại từ đầu sự nghiệp của mình. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.

Khó bám trụ

Nguyễn Văn Quyết (26 tuổi, Phú Thọ) bước chân vào ngành du lịch từ năm 2014, khi còn là sinh viên năm 2. Tháng 11/2019, anh thành lập công ty riêng.

Tuy nhiên, sau 3-4 tháng hoạt động, dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động du lịch. Điều này nằm ngoài suy tính của Quyết vì trước đó, du lịch được coi là ngành nghề hot.

“Trước Covid-19, lượng khách hàng của công ty mình khá ổn định. Tuy du lịch là mùa vụ, các chương trình, sự kiện được trải dài cả năm. Khi dịch bùng phát, lượng khách giảm đến 70% trong năm đầu tiên. Tới năm nay, khách giảm đến 95% và mọi thứ đều bấp bênh”, nam giám đốc nói với Zing.

Hậu giãn cách, nhiều người tranh thủ đi du lịch và đặt dịch vụ ở công ty Quyết. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã chốt, dịch bùng phát trở lại khiến nhiều trong số đó bị hủy bỏ. Các khoản công ty ứng ra để đặt cọc vé máy bay, khách sạn… cho khách phải chờ đối tác hoàn trả khá lâu hoặc mất trắng.

Điều đó gây ảnh hưởng tới tài chính của công ty cũng như các hoạt động khác như duy trì nhân sự, mặt bằng, kho bãi.

Xoa di lam lai su nghiep sau dich anh 3

Quyết phải tìm hướng đi mới để có thu nhập trang trải cuộc sống trong khi chờ ngành du lịch hồi phục. Ảnh: NVCC.

Do tình hình dịch kéo dài, Quyết tính đến phương án 2 là mở trung tâm tiếng Anh ở quê hương để thay đổi môi trường và tìm kiếm hướng đi mới.

Ban đầu, mọi thứ khá thuận lợi và được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, sau 6 tháng mở cửa, dịch bùng phát khiến trung tâm đóng cửa 2-3 tháng, đến nay vẫn chưa thể ổn định.

Dù tình hình khó khăn, Quyết cố gắng duy trì cả 2 hoạt động và các khoản thu được chừng nào hay chừng đó.

“Du lịch là nghề yêu thích nên mình cố bám trụ qua dịch bằng mọi giá. Hiện, công ty mình vẫn tư vấn cho những ai có nhu cầu tự tổ chức ở quy mô nhỏ để giữ chân khách hàng. Nhân sự bên mình đã phải cắt giảm tối đa. Nhiều bạn yêu thích du lịch nhưng buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác như bất động sản, bán hàng di động, bảo hiểm và shipper để duy trì cuộc sống. Mình thật sự thấy tiếc cho họ vì để có kỹ năng làm việc thuần thục không hề dễ dàng”, anh chia sẻ.

“Mình cũng không dám chắc các bạn có quay trở lại với nghề khi du lịch phục hồi hay không vì dịch nối dịch không biết tới khi nào”, Quyết nói thêm.

Sau 5 năm gắn bó với thương hiệu thời trang ở Hà Nội, từ lúc là nhân viên đến khi lên quản lý chi nhánh, T.P. (27 tuổi, quận Long Biên) quyết định xin nghỉ việc.

Tuy nhiên, do cần bàn giao công việc cho người mới, cô phải chờ đến hết tháng 12.

Trong thời gian này, T.P. đi tìm nhà trọ để dọn ra khỏi nơi ở do công ty cung cấp. Do muốn chuyển đổi môi trường làm việc, cô nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng.

“Mình tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán nhưng ra trường làm trái nghề, kiến thức lâu không động tới cũng quên khá nhiều. Mình mới thử xin việc ở một công ty nhưng không được nhận. Có lẽ, mình cần đầu tư thời gian để học thêm mới thuận lợi xin được việc”, cô nói.

Xoa di lam lai su nghiep sau dich anh 4

T.P. quyết định nghỉ việc vì sự thay đổi của ngành nghề do ảnh hưởng của dịch. Ảnh minh họa: Tuấn Anh.

Chia sẻ về lý do chia tay công việc lâu năm, T.P. nói trước dịch, cô thu nhập khá ổn định, dao động 15-20 triệu đồng/tháng tùy doanh thu. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh, lương của cô gần như không quá 10 triệu đồng/tháng.

“Năm ngoái, dịch đỡ hơn đã cắt khá nhiều khoản thưởng Tết. Mình nghĩ năm nay tình hình sẽ còn tệ hơn. Hơn nữa, suốt gần 3 tháng nghỉ không lương vì giãn cách xã hội, mình phải tiêu khá nhiều tiền tiết kiệm. Bám trụ với nghề là điều khó khăn với mình”, T.P. chia sẻ.

Đại khủng hoảng lao động

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động công bố ngày 12/10, giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động, đồng thời ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy.

Sự chuyển dịch này chủ yếu do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Giờ đây, người lao động khó có thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy ở thị trường lao động của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số người bỏ việc tăng kỷ lục những tháng gần đây, với 4,3 triệu chỉ trong tháng 8. Đây là số lượng nhiều nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2000.

Anthony Klotz, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Mays thuộc Đại học Texas A&M, là một trong những chuyên gia tiên phong dự đoán về làn sóng bỏ việc ồ ạt, đặt ra thuật ngữ “Đại khủng hoảng lao động” vào đầu năm nay.

“Đại dịch cùng lệnh phong tỏa liên quan đến nó khiến mọi người phải suy ngẫm về cuộc sống và trong nhiều trường hợp đã cho họ thời gian, động lực để thay đổi”, ông nói với The New York Post trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Xoa di lam lai su nghiep sau dich anh 5

Theo chuyên gia, làn sóng bỏ việc ồ ạt, chuyển sang ngành nghề mới đang diễn ra trong thị trường lao động thế giới. Ảnh: Spencer Platt/Getty.

Theo The Straits Times, đại dịch Covid-19 bất ngờ giúp các viện dưỡng lão và công ty công nghệ thông tin của Nhật Bản vượt qua tình trạng thiếu lao động trong nhiều năm do tình trạng cắt giảm việc làm tại những nhà hàng, khách sạn đã buộc người lao động phải tìm kiếm nghề nghiệp mới.

Dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn đã sa thải nhân viên, với số lượng giảm xuống 3,9 triệu người trong năm ngoái so với 4,2 triệu người của năm trước.

Ngược lại, ngành y tế và sức khỏe chứng kiến ​​nhân viên đạt 8,6 triệu người, tăng 200.000 người so với năm 2019. Ngành công nghệ thông tin thuê 2,4 triệu nhân viên, tăng 100.000 người so với năm 2019.

Tại Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đại dịch vẫn dẫn đến những thay đổi lâu dài trên thị trường lao động ngay cả khi nền kinh tế dần phục hồi. Theo đó, đất nước này có thể cần theo đuổi những con đường mới để tăng trưởng, theo The Conversation.

Trong lĩnh vực khách sạn và xuất khẩu, các công ty buộc phải sa thải nhân viên hoặc trì hoãn việc trở lại làm việc vào năm 2020. Mặt khác, lĩnh vực giao hàng đã phát triển liên tục trong vài năm nay và đã tuyển dụng hàng loạt trong thời kỳ đại dịch. Nhiều công nhân bị mất việc làm trong các lĩnh vực khác đã chuyển sang công việc linh hoạt hơn như shipper và lái xe.

Nhận định về cuộc “đại khủng hoảng lao động” trên thế giới, Forbes cho rằng việc “di cư” nhân tài gần như chắc chắn đang diễn ra khi người lao động tìm kiếm sự linh hoạt và cơ hội để phát triển sự nghiệp của họ hậu Covid-19. Do đó, đã đến lúc các nhà tuyển dụng tập trung vào văn hóa công ty, ưu tiên phát triển sự nghiệp của nhân viên và đảm bảo sứ mệnh của công ty phù hợp với các giá trị của người lao động.

4 người bạn bỏ việc ở phố, lên Sa Pa làm du lịch

Thông qua Hủa Si Pan, Thành, Lập, Châm, Dương hy vọng tạo nên cộng đồng cắm trại, trekking chất lượng để mọi người được trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm