Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xin về chờ chết vì không có tiền chữa rắn cắn

Chị Khay bị rắn cạp nia cắn vào tay, được cứu qua cơn nguy kịch nhưng gia đình chị xin cho về vì đã cạn tiền cứu chữa.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vừa cứu sống thành công bệnh nhân Nguyễn Thị Khay (50 tuổi ở thôn Hoàng Lý I, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) bị rắn cạp nia cắn. Tuy nhiên, bệnh nhân đang trong quá trình phục hồi sức khỏe, tình trạng bệnh tiến triển tốt thì gia đình làm đơn xin ra viện về nhà… để chết.

Theo chu trình điều trị, chị Khay vẫn phải tiếp tục thở máy 1 - 2 tuần nữa.

Theo anh Vũ Văn Lục (chồng của chị Khay), sáng sớm ngày 6/8, hai vợ chồng đang làm ruộng thì nghe tiếng chị kêu thét lên. Anh nhìn qua thì thấy vợ đã nằm vật ra bờ mương. Biết vợ bị rắn cắn, anh Lục đưa vợ lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bác sĩ Hùng cho hay, chị Nguyễn Thị Khay nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, bị sụp mi, đồng tử giãn to, liệt cơ toàn thân, phản xạ gân xương yếu. Đưa lên tới bệnh viện, gia đình bệnh nhân nghĩ chị đã… chết. “Chỉ chậm một chút nữa thôi, bệnh nhân sẽ tử vong. Người bị rắn cạp nia cắn, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như hôn mê, co giật, phù não, liệt cơ làm tăng nguy cơ tử vong...”, lời bác sĩ Hùng.

Theo TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi tuần, Trung tâm tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn. Hiện tại, đang là thời điểm mưa nhiều, ẩm ướt, lại là mùa rắn đi kiếm ăn (từ tháng 4 đến tháng 10) nên nhiều người bị rắn cắn.

TS. Nguyễn Kim Sơn cho hay, độc chất của rắn cạp nia nguy hiểm bởi gây liệt cơ toàn thân. Trong trường hợp bị rắn này cắn, nhiều bệnh nhân phải thở máy 4-6 tuần vì nếu ngưng thở máy sẽ tử vong do liệt cơ hô hấp. Điều trị bệnh nhân bị nhiễm độc do rắn cạp nia khó khăn vì hiện không có huyết thanh kháng độc. Nếu nhiễm nộc độc do rắn hổ mang phì, rắn hổ mèo, người bị nhiễm độc có nguy cơ hoại tử vùng bị cắn rất cao. Bệnh nhân có thể bị cắt bỏ chi do hoại tử lan rộng, thậm chí tử vong do nhập viện muộn. Với trường hợp bị rắn lục cắn, nguy cơ tử vong do nọc độc vào cơ thể gây rối loạn đông máu khiến bệnh nhân bị cháy máu, xuất huyết não.

"Với chị Khay, điều trị hơn 2 tuần đã có tiến triển tốt nhưng thời gian vẫn cần thở máy. Chồng và con chị ấy mếu máo nói gia đình không còn tiền, đã vay lãi được hơn 50 triệu đồng, chỉ đủ thời gian nằm viện, thở máy hơn 10 ngày. Tới nay, không còn nơi nào vay mượn nên xin về", bác sĩ Hùng kể.

Vợ chồng chị Khay có 3 sào ruộng, thời gian nông nhàn đi làm phụ hồ quanh xã. Không có tiền tích trữ, từ ngày chị nằm viện, gia đình vay mượn khắp nơi. Bác sĩ Hùng tâm sự: "Bố con anh Lục rơi nước mắt làm đơn xin cho chị Khay về. Họ nói nhờ họ hàng vay ngân hàng giúp cũng chỉ được 5 – 10 triệu đồng, không đủ cho vợ nằm viện tiếp. Chúng tôi đã hết lòng cứu chị ấy nhưng nếu rút ống thở ra, bệnh nhân Khay sẽ tử vong".

Theo TS. Sơn, chị Khay là người được đưa tới bệnh viện kịp thời nên khả năng hồi phục rất tốt. Nhiều bệnh nhân bị rắn cắn hay gặp phải sai lầm khi sơ cứu. Đó là thấy người bị rắn độc cắn, người thân hay ga rô chặt, gây tắc mạch máu, rất nguy hiểm vì có thể làm hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Khi bị rắn độc cắn, cần khẩn trương băng ép tại vết cắn, nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm nhất. Người thân cần động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân tự đi lại.

Người thân nên cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ, rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường, để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không nên rạch, nặn máu tại vết cắn vì đó không phải là biện pháp hiệu quả. Nhiều bệnh nhân đắp lá “hút” nọc độc, bôi lòng đỏ trứng... Đó là những cách chữa trị làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết cắn, hoại tử do mất vệ sinh.

Nam Trần

Bạn có thể quan tâm