"Đợi mãi không nhận được phản hồi về giấy đi đường của công an khu vực, tôi rất lo lắng, đành ngậm ngùi giảm giá toàn bộ mặt hàng, bán cho nhanh để đề phòng", chị Thanh Bình, chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt, hoa quả sạch tại Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp trên, nhiều đơn vị khác ở Hà Nội phản ánh đã rất cố gắng nhưng sau nhiều ngày vẫn chưa thể hoàn thành các mẫu hồ sơ cấp giấy đi đường.
Quy định, quy trình cấp giấy mỗi phường một khác. Có loại giấy phải xin ở phường, có loại giấy phải xin ở Sở Công Thương khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành. Nếu sai một lỗi nhỏ, doanh nghiệp phải làm lại từ đầu.
Đủ loại giấy tờ phải làm đi làm lại
Chị Bình chia sẻ doanh nghiệp của chị chuyên kinh doanh hoa quả. Với hoa quả nhập khẩu thì có thể bảo quản lâu dài, nhưng nhiều loại hoa quả nội địa thì việc chậm ngày nào thì số lượng hư hỏng tăng nhanh chóng ngày đó.
"Mấy ngày nay chạy đi chạy lại mãi vẫn chưa xin được giấy, tôi phải giảm giá để xả hàng, tránh tình trạng hàng hóa ứ đọng. Ngoài xin cấp giấy đi đường với công an phụ trách địa bàn, tôi cố gắng gửi thêm lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng chưa thấy có thông báo”, chị Bình cho hay.
Một hộp tiếp nhận hồ sơ làm giấy đi đường ở Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: BC. |
Doanh nghiệp này tỏ ra bức xúc với sự thiếu thống nhất về quy trình cấp giấy tờ, ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận hành của doanh nghiệp, gây ra những thiệt hại không đáng có. Với số lượng chuỗi cửa hàng lớn rải rác khắp thành phố, chị Bình tỏ ra hoang mang khi mỗi phường lại yêu cầu một kiểu hồ sơ khác nhau.
Chị Nguyễn Ngọc Mai, đại diện chuỗi hoa quả Ưu Đàm, cũng chia sẻ với Zing sau 4 ngày cố gắng nhưng vẫn chưa thể xin được một giấy đi đường nào cho hơn 100 nhân sự. Công ty có nguy cơ phải dừng hoạt động từ ngày mai (8/9) khi Hà Nội siết quy định.
Công ty Ưu Đàm chuyên kinh doanh thực phẩm, nên cần 3 loại giấy đi đường, xin cấp ở 3 nơi khác nhau. Một loại cấp cho nhân viên làm việc ở văn phòng (thẩm quyền là phường nơi công ty đặt trụ sở), một loại xin cấp cho shipper giao hàng (phải xin ở Sở Công Thương Hà Nội), một loại xin cho các nhà cung ứng rau, thịt, hoa quả... từ các vùng ngoại thành, ngoại tỉnh vào Hà Nội.
Nếu xin giấy ở phường thì phải thông qua công an, sau đó công an lại chuyển sang UBND phường duyệt, duyệt xong thì chuyển lại công an. Thủ tục khá phức tạp dù có QR code. Phường lâu nay không quản lý lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, chỉ nằm trên địa bàn, nên rất lúng túng đi xác minh và tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp.
“Chúng tôi xin giấy đi đường cho 20 nhân viên làm ở văn phòng thôi nhưng bộ hồ sơ hơn 10 loại giấy tờ khác nhau. Nào là đơn đề nghị, danh sách nhân viên, giấy đăng ký kinh doanh, bản cam kết phòng chống dịch, bản thành lập tổ an toàn... với mẫu riêng. Có nơi còn yêu cầu cả hợp đồng bảo hiểm xã hội, hồ sơ phòng cháy chữa cháy. Các hồ sơ này, phải đúng quy định theo phần mềm, chỉ nhầm một chữ thôi là phải làm lại”, chị Ngọc Mai kể với Zing.
Nguyên nhân là các phường và công an khu vực gần như không có hướng dẫn, không có một mẫu chung để thống nhất cho doanh nghiệp làm theo mẫu. Chị Ngọc Mai nhấn mạnh các phường chỉ gạch đầu dòng những giấy tờ cần, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện. Nếu làm sai thì phải làm lại.
Kiểm soát giấy đi đường ở Hà Nội vào ngày 6/9. Ảnh: Việt Linh. |
Éo le hơn, chị Ngọc Mai kể việc làm hồ sơ xin cấp giấy đi đường cho các shipper. Khi gửi hồ sơ qua phần mềm của cơ quan chức năng, biển số xe máy là phần dễ bị nhầm lẫn nhất. Nếu người nhập chỉ thừa một dấu cách của biển số xe, thì toàn bộ quy trình nhập cho cả trăm tài xế phải làm lại từ đầu.
Chị cho rằng Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể dùng mẫu giấy đi đường trước kia đã cấp cho shipper, bởi nội dung không khác gì nhau.
"Chúng tôi kê khai thuế và nộp thuế cũng không khổ như xin giấy đi đường lúc này", chị Ngọc Mai nói.
Lo lắng phải thay đổi kế hoạch kinh doanh
"Từ giờ đến tối 7/9 mà chúng tôi không được cấp giấy đi đường thì mọi việc làm ăn từ ngày mai phải dừng lại hết", anh Đỗ Minh Phúc, đại diện một chuỗi bán thực phẩm, cho biết. Chuỗi của anh Phúc chuyên bán thực phẩm ở chân đế một số tòa chung cư tại Hà Nội. Anh nhấn mạnh nhóm doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu đang lo lắng hơn cả.
Nếu ngày 8/9 không có giấy đi đường thì nhân viên không thể bán hàng, người giao hàng không thể đi giao.
Anh Phúc chia sẻ một khó khăn là kho hàng của hệ thống đang nằm ở huyện Thanh Trì, nằm ở vùng 3 theo quyết định của Hà Nội. Tại "vùng xanh" thì Hà Nội lại không cấp giấy đi đường, trong khi nhân viên kho cần phải vào nội thành giao hàng.
“Chúng tôi xin giấy đi đường cho 20 nhân viên làm ở văn phòng thôi nhưng bộ hồ sơ hơn 10 loại giấy tờ khác nhau. Các hồ sơ này chỉ nhầm một chữ thôi là phải làm lại”
Phan Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Ưu Đàm
Tương tự, các nhà cung cấp rau, củ, quả, thịt... ở vùng ven đang rất lo lắng ngày 8/9 sẽ vào nội thành như thế nào để cung cấp hàng hóa cho các chuỗi thực phẩm.
Chị Ngọc Mai cho biết cách đây vài ngày công ty có nhập một xe sầu riêng từ Đắk Lắk về Hà Nội. Theo tính toán, sau khi sầu riêng về đến Hà Nội thì việc xin giấy đi đường cũng xong. Tuy nhiên, dự kiến ngày mai (8/9) xe rầu riêng sẽ về đến Hà Nội nhưng công ty chưa thể hoàn thành giấy đi đường.
"Rất có thể cả lô hàng phải nằm đợi bên ngoài Hà Nội. Chúng tôi đang căng như dây đàn và chờ đợi giấy đi đường từng giờ. Nếu khó khăn quá, chúng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh", chị Ngọc Mai nói.
Một nỗi lo khác được chị Bình chia sẻ là số lượng lao động. Để đảm bảo mô hình hoạt động cũng như phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng, mỗi cửa hàng của chị Bình cần có 15-20 nhân viên, phần lớn là lao động thời vụ. Tuy vậy, việc các phường chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên chính thức khiến cửa hàng phải cắt giảm 50-70% nhân công.
“Các phường không có biểu mẫu văn bản thống nhất, có phường sau khi gửi thư điện tử lên nay vẫn chưa phản hồi, có phường thì bảo vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ, một số phường gọi hỏi không bắt máy. Việc theo sát cơ quan quản lý khá phức tạp, không biết bao giờ doanh nghiệp mới có thể an tâm hoạt động”, chị Bình bức xúc chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trọng Hùng (chủ một cơ sở chuyên phân phối gas tại quận Hà Đông) cũng phàn nàn về việc giấy phép vừa được cấp lại phải đi xin cấp mới. Thực tế, đây đã là lần thứ 4 thành phố đổi mẫu giấy đi đường.
Đối với loại giấy đi đường mới, anh Hùng cho biết đang loay hoay hoàn thiện các loại thủ tục xin cấp. “Quá nhiều biểu mẫu và tiêu chí cần đánh giá, tôi không biết công an phường có xét duyệt cho chúng tôi không và đến khi nào mới được cấp giấy, trong khi mai chúng tôi có thể phải dừng hoạt động", anh Hùng nói.
Theo quy định mới, các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu, thẩm quyền cấp giấy đi đường cho nhóm này thuộc về công an xã, phường, thị trấn.
Đứt gãy chuỗi cung ứng tính bằng giờ
Ông Võ Việt Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng việc cấp giấy đi đường cho khối doanh nghiệp đang có vấn đề khó khăn và rất chậm trễ. Theo vị này, đến 12h ngày 7/9, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được cấp giấy đi đường.
“Một số nơi cơ quan cấp giấy đi đường có hiện tượng cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông thẳng thắn nói.
Theo ông Dũng, nếu cứ để tình trạng như hiện nay, chắc chắn sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Thời gian đứt gãy chỉ tính bằng giờ.
“Thành phố cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay lúc này cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Theo khảo sát mới nhất do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng) thực hiện, người lao động mất việc làm phản ánh giấy đi đường bản giấy đang khiến các công ty đình trệ sản xuất, giao thương khó khăn dẫn đến giá cả tăng, hàng hóa thiếu hụt, không cân bằng giữa các khu vực.
“Để tháo gỡ khó khăn trong di chuyển, lưu thông hàng hóa, cần cấp thẻ/mã di chuyển điện tử được quản lý bởi hệ thống của Chính phủ và nguồn dữ liệu về nhân sự được cấp thẻ/mã phải đồng bộ giữa các chốt/trạm/điểm kiểm soát”, nhóm này đề xuất.
Lượng phương tiện ùn ứ tại chốt kiểm soát ở Hà Nội vào sáng 6/9. Ảnh: Việt Linh. |
Cũng theo Ban IV, một số doanh nghiệp đề xuất cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp này kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục đi đường, tạo sự nhất quán trong quy định vận tải, vận chuyển để có thể di chuyển liên tỉnh mà không phải xin giấy phép nhiều lần; tạo điều kiện tối đa cho lưu thông hàng hóa và các hoạt động thiết yếu khác để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp hoạt động mà không để doanh nghiệp mất tiền bôi trơn khi xin cấp phép; giảm bớt thủ tục hành chính, giấy phép con.