Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xin đừng lo lắng cho Thơ

Không tranh chấp, không giành thị phần, không có phương tiện để quảng cáo, Thơ tồn tại một cách tự nhiên, một cách hữu lý như tất cả những gì tồn tại trong thế giới chúng ta.

Trong buổi lễ trao giải thưởng văn học Cikada năm 2015 tại Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội ngày 30/11, nhà thơ Ý Nhi đã có bài phát biểu nhiều tâm huyết. Zing.vn trích đăng một phần diễn từ nhận giải của bà: 

Cách đây 40 năm, nhà thơ Italia Eugenio Montale từng đặt câu hỏi: "Thơ còn tồn tại được không trong vũ trụ truyền thông đại chúng?". Từ bấy đến nay, cái "vũ trụ truyền thông đại chúng" ấy, ngày một phát triển, ngày một bành trướng, lấn lướt và vây chặt cuộc sống của chúng ta.

Nhiều khi ta có cảm giác ngạt thở vì chúng, không còn biết ngoảnh mặt đi đâu, không còn biết lắng nghe điều gì. Và dường như áp lực này không dành riêng cho các nhà thơ mà còn ảnh hưởng đến tâm trí các nhà chính trị - những người vốn được coi là sắt đá, cứng rắn.

Tôi còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, bà Julia Gillard, lúc bấy giờ đang là Thủ tướng Australia đã có một câu trả lời rất thú vị. Khi phóng viên hỏi bà có quan tâm đến sự đồn đoán về ngày tận thế không, bà đã trả lời đại ý: "Có. Nhưng tôi e rằng K-pop sẽ huỷ diệt thế giới trước khi ngày tận thế đến."

Nhà thơ Ý Nhi phát biểu trong buổi lễ nhận giải thưởng Cikada tại Hà Nội ngày 30/11.

Nhưng như chúng ta thấy, Thơ vẫn tồn tại. Không tranh chấp, không giành thị phần, không có phương tiện để quảng cáo, Thơ tồn tại một cách tự nhiên, một cách hữu lý như tất cả những gì tồn tại trong thế giới chúng ta. Vì sao ư? Vì nỗi đau khổ và niềm hy vọng của con người. Tôi không nhớ ai đã nói câu nói vừa quyết liệt vừa tha thiết này nhưng chắc chắn đây là câu nói của một nhà thơ thực thụ: Một bài thơ là sự phát triển của một tiếng kêu.

Chúng ta có thể diễn giải sự đúc kết này bằng một câu nói khác: Khi nào tiếng kêu của con người còn thì thơ còn. Sự nghèo đói, chiến tranh, những cuộc di dân, những vụ thám át, bão lũ, động đất, sóng thần... vẫn từng ngày từng ngày diễn ra trên hành tinh này, ngay trước mắt chúng ta. 

Và con người, với bản năng sống mãnh liệt, với niềm khao khát tự do, hạnh phúc, đã không ngừng tìm cho mình một con đường, một nơi chốn, không ngừng xây dựng, không ngừng hy vọng, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả cái chết. Không chỉ tiếng kêu thương mà cả tiếng gào thét phẫn nộ, cả tiếng cười, cả tiếng reo ca sẽ là nơi bắt đầu những bài thơ. Do một đặc ân được ban tặng riêng cho họ, chỉ các nhà thơ mới nghe thấy tiếng kêu ấy và có thể sáng tạo nên những bài Thơ.

Năm 2001, tôi có dịp dự trại mùa hè do Trung tâm William Joiner thuộc trường Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ) tổ chức. Trong thời gian này, chúng tôi có 2 lần đọc thơ tại Santa Fe và Boston. Mỗi buổi đọc thơ đều có đông người tham dự. Thú thực, tôi có phần ngạc nhiên vì sự im lặng của đám đông khi nghe chúng tôi đọc và những tràng vỗ tay dài khi kết thúc mỗi bài thơ.

Ở cả hai nơi đều có cuộc trao đổi ngắn khi buổi đọc thơ kết thúc. Tôi còn nhớ mãi một nhóm người đứng đợi chúng tôi tại cửa ra vào của hội trường, Họ tặng tôi những món quà nho nhỏ như một cây bút bi, một tấm bưu ảnh, có người còn gửi tặng mẹ tôi một bức tranh khắc gỗ những bông hoa màu tím do anh tự làm. Một phụ nữ trung niên nói với tôi, chị thích bài thơ Tự do tôi vừa đọc (qua lời dịch trực tiếp của nhà thơ Nguyễn Bá Chung). Họ bảo khi thơ tôi in ở Hoa Kỳ, họ sẽ tìm mua. Bịn rịn mãi tôi mới có thể chia tay họ. Đó là những người đến từ Bosnia. Họ tìm thấy trong thơ tôi - thơ của một người Việt Nam, nơi vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc - sự đồng cảm.

Trước Eugenio Montale 15 năm, một nhà thơ khác, Saint-John Perse (nhà thơ Pháp) cũng từng lo ngại: "Càng ngày càng thấy rõ sự tách rời giữa những hoạt động thơ ca và cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất". Từ bấy đến nay, khoảng cách giữa hoạt động thơ ca và xã hội tiêu dùng như ngày một rộng ra. Không ít người đã lo lắng thơ không còn đất sống, thơ sẽ bị tận diệt.

Nhưng bằng một cách nào đó, thơ vẫn tồn tại. Chính Saint-John Perse đã có lời biện giải cho sự bất diệt ấy: "Nhà thơ tồn tại trong con người sống nơi hang động, nhà thơ lại sẽ sống trong con người thời hạt nhân vì chất nhà thơ đó là phần không thể thiếu của con người... Thơ hiện đại dấn thân vào một sự nghiệp mà càng đeo đuổi thì càng khiến con người được hoàn toàn là chính mình".

Như để minh chứng cho nhận định của ông, các nhà thơ, từ châu Âu đến châu Mỹ, từ châu Phi đến châu Á, châu Đại dương vẫn không ngừng làm thơ, xuất bản thơ, các tạp chí thơ vẫn được trân trọng, các sinh hoạt văn học dành riêng cho thơ vẫn được tổ chức, các giải thưởng văn chương vẫn vinh danh các nhà thơ.

Chỉ tính riêng giải Nobel dành cho văn học, từ năm 1960 đến nay đã có gần 20 nhà thơ được đón nhận. Tôi có thể kể ra đây những tên tuổi tương đối quen thuộc với người đọc Việt Nam: Saint-John Perse, Pablo Neruda, Harry Martinson, Eugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborka... và gần đây nhất vào năm 2011, Tomas Transtromer. Tôi muốn được nhắc lại rằng, sự tồn tại của Thơ trong thế giới đương đại không phải là một thách đố, một cố gắng đương đầu, mà là lẽ tự nhiên, là sự cần thiết.

Nhà thơ Ý Nhi được đánh giá là một nữ thi sinh tiêu biểu của Việt Nam sau chiến tranh.

Gần đây, tôi nhận được cuốn sách Thơ cần thiết cho ai? của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, một người Canada gốc Việt. Trong tập sách này, Nguyễn Đức Tùng giới thiệu 10 nhà thơ đương đại Hoa Kỳ và Canada - theo anh, là tinh hoa của thơ Bắc Mỹ.

Viết về các nhà thơ đương đại, Nguyễn Đức Tung trước hết, khẳng định sự tồn tại của thơ trong đời sống hôm nay. Đương nhiên, ta không thể tìm thấy một câu trả lời gọn ghẽ, giản đơn cho câu hỏi "Thơ cần thiết cho ai?". Nhưng lần theo cách dẫn giải của tác giả, có thể nhận thấy, thơ đã "nhập" vào người đọc trong những khoảnh khắc, những tình huống, những trạng thái tình cảm đặc biệt như khi vừa có cuộc chia tay đau đớn với người phụ nữ mình từng yêu thương, khi trở về ngôi nhà cũ đã trở nên hoang lạnh và nằm ngủ trước khung cửa đóng, khi một mình lái xe trên đường giữa những cánh đồng cỏ xanh điểm hoa cúc vàng, khi chợt nhìn thấy một pho tượng đẹp giữa công viên, khi ngồi một mình ở tiệm cà phê giữa một ngày tháng 6 lạ lùng trời đang nắng bỗng lạnh bất ngờ, tuyết rơi trắng xoá, khi đang trải qua "những tháng ngày tối đen hun hút, trượt đi dưới chân như băng vỡ", khi đang lâm vào cảnh "chán nản, thua sạch, mất hết" và mong đợi một sự bình yên...

Bất chấp thời gian, bất chấp những đặc điểm địa ý, những khác biệt văn hoá, bất chấp những cách tân, các khuynh hướng, các trường phái, Thơ vẫn là nơi chốn con người có thể tìm đến như tìm đế một vẻ đẹp, một niềm vui, một sự an ủi, một thanh lọc, một gợi mở.

Cũng chính từ cuốn sách này, tôi còn được biết, Billy Collins vẫn có thể sống bằng tác quyền thơ, không cần làm thêm công việc khác và trong buổi đọc thơ của Patrick Lane tại Vancouver, căn phòng có 300 chỗ ngồi đã chật cứng, có những người phải đứng dọc hành lang để xin chữ ký. Xem ra, "cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất" không thể giết chết thơ. Ngược lại là khác, bởi vì thơ chính là "thuốc giải độc cho kỹ thuật và thị trường", theo Octavio Paz (nhà thơ Mexico).

Xin đừng lo lắng cho Thơ. Dù cho trong 1.000 người chỉ còn 2 người yêu thơ (theo W.Szymborska) thì so với số người trên trái đất hiện nay, vẫn còn khá đông. Vả chăng, chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại.

 

 

Nhà thơ Ý Nhi

Bạn có thể quan tâm