Xiaomi đến với thế giới công nghệ như một cơn bão. Chỉ 5 năm sau khi thành lập, hãng di động Trung Quốc đã chiếm thị phần số 1 trên sân nhà và số 5 trên thế giới (theo IDC). Những chiếc smartphone của họ thường cháy hàng chỉ ít phút sau khi lên kệ.
Năm 2014, hãng xuất xưởng 61 triệu smartphone. Dự kiến, con số này tăng khoảng 30% trong năm 2015. Với trị giá 46 tỷ USD, đây là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới.
Khởi đầu từ phần mềm
Xiaomi thành lập ngày 6/4/2010 bởi 8 đối tác, trong đó có cựu CEO của Kingsoft - Lei Jun. Theo kế hoạch ban đầu, họ không có ý định sản xuất smartphone. Thay vào đó, Xiaomi tập trung tạo một bản ROM cho điện thoại Android có tên MIUI. Bản ROM này sau đó trở thành một trong những ROM được yêu thích nhất.
Mặc dù dành cho máy Android, MIUI có nhiều điểm tương đồng với iOS. Nó có giao diện đơn giản, không dùng app draw, icon nhiều màu sắc. MIUI cũng mang đến một kho ứng dụng riêng, trình chơi nhạc và ứng dụng backup trên nền đám mây.
Tính đến tháng 2/2015, Xiaomi có hơn 100 triệu người dùng MIUI.
Bước chân vào lĩnh vực phần cứng
Xiaomi đơn giản không hài lòng với thành công ban đầu. Năm 2011, hãng ra mắt chiếc Mi1. Sau 34 giờ bán ra, model này đã cháy hàng. Mi1 sở hữu chip Qualcomm Snapdragon S3, RAM 1 GB, màn hình 4 inch 854 x 480 pixel, camera sau và trước có độ phân giải lần lượt là 8 và 2 megapixel, pin 1.930 mAh. Ở thời điểm đó, Samsung Galaxy S2 được xem là smartphone Android tốt nhất. Trên thực tế, S2 không vượt trội so với Mi1. Thiết bị này có giá 1.999 tệ (tương đương khoảng 314 USD).
Chiếm lĩnh thế giới từ mạng Internet
Xiaomi vươn mình từ một hãng vô danh thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới bằng cách nào, và nhất là chỉ sau vài năm? Họ chọn cách cung cấp những sản phẩm với phần cứng tốt, kiểu dáng ưa nhìn và giá bán gần như không thể rẻ hơn so với các đối thủ. Tuy nhiên, nhờ đâu họ có thể bán sản phẩm với giá rẻ đến vậy?
Lý do không hẳn bởi đây là một công ty Trung Quốc, mà bởi hãng startup này đã đưa ra một chiến lược kinh doanh đi trước các đối thủ. Ban đầu, họ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thay vào đó là sự chú ý của càng nhiều người càng tốt, xây dựng thương hiệu làm nền tảng cho thành công trong tương lai.
Một yếu tố khác là Xiaomi quản lý rất tốt nguồn cung sản phẩm. Họ luôn đảm bảo cầu lớn hơn cung. Do đó, smartphone Xiaomi thường cháy hàng chỉ sau ít phút lên kệ. Điều này giúp hãng tránh được tình trạng tồn đọng hàng.
Ngoài ra, công ty smartphone Trung Quốc đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội và theo hình thức "truyền miệng". Người ta gần như không thấy các đoạn quảng cáo trên TV, báo, tạp chí... vốn có chi phí cực cao. Thay vào đó, họ tận dụng sức mạnh của Internet và chuyển những khoản tiền quảng cáo trị giá hàng triệu USD đó vào việc giảm giá bán sản phẩm.
Sau này, rất nhiều công ty học tập chiến lược của Xiaomi. Một trong số đó là OnePlus. Ngay cả những ông lớn smartphone Trung Quốc như Huawei, ZTE, Lenovo cũng học theo mô hình này, bằng cách tạo ra các thương hiệu vệ tinh như Honor, Axon hay ZUK.
Xiaomi đang đứng ở đâu?
Hiện tại, Xiaomi đã là một ông lớn trên thị trường. Hãng bán được 34,7 triệu smartphone trong nửa đầu 2015, đứng đầu tại thị trường Trung Quốc, thứ 5 thế giới về doanh số smartphone. Ngoài smartphone, họ còn sản xuất cả TV, pin dự phòng, headphone.
Tương lai của Xiaomi
Một vài người gọi Xiaomi là "ngôi sao tiếp theo trên thị trường", một số khác gọi họ là "Apple của Trung Quốc". Trên thực tế, họ không giống Apple. Giá bán các sản phẩm của Xiaomi thấp hơn nhiều so với sản phẩm từ Apple, Samsung.
Tuy nhiên, cái cách họ tạo ra màu sắc riêng, dấu ấn riêng lại khiến người ta liên tưởng đến một Apple mới. Tất nhiên, gần như không có công ty công nghệ nào có thể đạt được biên độ lợi nhuận như Apple.
5 năm để trở thành thương hiệu số một của đất nước đông dân nhất thế giới. Người ta đang háo hức chờ đợi xem, sau 5 năm nữa, Xiaomi sẽ như thế nào?