Ngày 14/1, Bộ Quốc phòng Mỹ 9 công ty vào danh sách những doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Trong số 9 công ty này có Xiaomi, công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc.
Theo Reuters, bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa với việc “Hạt gạo nhỏ” bị cấm giao dịch và nhận vốn đầu tư từ đối tác Mỹ. Lệnh cấm yêu cầu các nhà đầu tư phải rút toàn bộ vốn khỏi Xiaomi trước ngày 11/11.
Sau khi Xiaomi bị đưa vào danh sách đen, các nhà đầu tư Mỹ sẽ không được mua cổ phiếu của công ty này. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, tác động của hành động này được đánh giá là sẽ không tới ngay lập tức như khi Huawei bị đưa vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ. Vào tháng 5/2019, ngay sau khi bị thêm vào danh sách, Huawei đã bị nhiều đối tác quay lưng. Tới nay, họ vẫn không được Google cấp phép sử dụng gói dịch vụ Google trên smartphone.
"Xiaomi không bị đưa vào 'danh sách đen' để hạn chế về mặt linh kiện, do vậy chuỗi cung ứng cho smartphone và các thiết bị của họ sẽ không bị ảnh hưởng ngay", ông Neil Mawston, Giám đốc hãng phân tích Strategy Analytics chia sẻ với Zing.
Xiaomi có phải Huawei thứ hai?
Việc Xiaomi bị đưa vào danh sách có liên hệ với quân đội Trung Quốc khiến nhiều nhà phân tích bất ngờ. Khác với Huawei, công ty cũng nằm trong "danh sách đen" của Bộ Quốc phòng Mỹ từ trước, Xiaomi được coi như công ty thuần túy về công nghệ và ít có liên quan tới chính quyền.
"Công ty có thể xác nhận rằng chúng tôi không được sở hữu, kiểm soát hoặc có liên quan tới quân đội Trung Quốc", Xiaomi phản hồi ngay sau khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Việc một công ty được coi là thuần công nghệ như Xiaomi bị đưa vào danh sách gây bất ngờ. Ảnh: Reuters. |
"Một khi đã có ý định thì sẽ luôn tìm được lý do", bà Linda Sui, Giám đốc nghiên cứu mảng smartphone tại Strategy Analytics chia sẻ với South China Morning Post. Bà Sui cho rằng Xiaomi hoàn toàn tập trung vào các sản phẩm công nghệ, chứ không mở rộng ra những lĩnh vực quan trọng như Huawei với 5G.
Nguy cơ Xiaomi bị đưa vào danh sách thực thể là khá cao.
Edison Lee, nhà phân tích tại Jefferies.
"Tôi không nghĩ rằng Xiaomi sẽ bị coi là công ty có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Dù sao họ cũng chưa bị liệt vào danh sách thực thể", Kevin Chen, nhà phân tích tại China Merchant Securities nói với WSJ.
Xiaomi được Lei Jun và nhiều đồng sự khác sáng lập vào năm 2010. Lei Jun khi đó đã là một tỷ phú, sau khi đưa công ty Kingsoft lên sàn chứng khoán. Theo Bloomberg, Qualcommm là một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Xiaomi.
Vào quý III/2020, Xiaomi đã vượt qua Apple về lượng smartphone bán ra trên toàn cầu, theo số liệu của IDC.
Chuyện gì sẽ xảy ra với Xiaomi?
Hiện tại, việc bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa các nhà đầu tư Mỹ sẽ bị hạn chế giao dịch và phải rút vốn khỏi Xiaomi trước tháng 11 năm nay. Theo thông tin của Bloomberg, các nhà dầu tư Mỹ chiếm khoảng 15% cổ phần Xiaomi, bao gồm các công ty như BlackRock, Vanguard Group và State Street Corp.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là liệu công ty này có chịu chung số phận với Huawei, khi bị cô lập khỏi chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ.
"Nguy cơ Xiaomi bị đưa vào danh sách thực thể là khá cao. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc tìm kiếm linh kiện để làm smartphone", Edison Lee, nhà phân tích tại Jefferies chia sẻ.
Mặc dù thị trường Bắc Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 0,1% lượng smartphone bán ra của Xiaomi trong 9 tháng đầu năm 2020, theo số liệu của IDC, công ty này lại phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Qualcomm, nhà phát triển chip của Mỹ. Do vậy, Xiaomi sẽ gặp khó khăn nếu như chuỗi cung ứng từ Mỹ có vấn đề.
Tài sản của tỷ phú Lei Jun đã giảm gần 3 tỷ USD sau những thông tin bất lợi. Ảnh: Getty. |
"Huawei là một trường hợp đặc biệt khi bị cấm vận mua chip từ Mỹ. Nếu như có một trường hợp tương tự như vậy thì sẽ rất đáng lo ngại. Nếu Xiaomi bị đưa vào danh sách thực thể, điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty Trung Quốc nào cũng có thể vào danh sách", bà Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của công ty phân tích thị trường Canalys nhận xét.
"Nhiều công ty sẽ phải hoạt động dưới điều kiện bất định của mối quan hệ Mỹ - Trung", bà Nicole Peng nói thêm.
Thậm chí kể cả khi không bị đưa vào danh sách thực thể, Xiaomi cũng có thể gặp khó.
"Thách thức lớn nhất của Xiaomi hiện nay là các cơ quan Mỹ đang soi xét kỹ hơn họ dưới góc độ tài chính và một số hoạt động khác. Điều đó có thể khiến các ngân hàng, nhà cung ứng và bán lẻ trên toàn cầu phải cân nhắc nếu hợp tác với Xiaomi từ nửa sau năm 2021 trở đi. Xiaomi sẽ có một năm khó khăn phía trước", ông Neil Mawston giải thích kỹ hơn trong email gửi Zing.
Thách thức lớn nhất của Xiaomi hiện nay là các cơ quan Mỹ đang soi xét kỹ hơn họ dưới góc độ tài chính và một số hoạt động khác. Xiaomi sẽ có một năm khó khăn phía trước.
Neil Mawston, Giám đốc công ty phân tích Strategy Analytics.
Sau thông tin bất lợi, giá cổ phiếu của Xiaomi đã giảm 10% trong ngày 15/1, khiến tài sản của Lei Jun bay hơi gần 3 tỷ USD. Tài sản của ông Lin Bin, phó chủ tịch công ty, cũng sụt 1,5 tỷ USD. Tài sản của ít nhất 5 cổ đông tỷ phú khác cũng lao dốc.
Nhiều nhà phân tích tin rằng đây sẽ chỉ là khó khăn trong ngắn hạn của Xiaomi và nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực trong vài ngày tới.
"Hạn chế công ty Trung Quốc không phải là ưu tiên của chính quyền Biden. Những lệnh cấm này sẽ được đảo ngược trước tháng 11, nên chúng tôi sẽ giữ cổ phiếu, thậm chí mua thêm vào thời điểm giá tốt", Vanessa Martinez, nhà phân tích tại Lerner Group nói với Bloomberg.
"Chỉ trong 5 ngày nữa, Mỹ sẽ có một chính quyền mới, và cách họ tiếp tục hoặc loại bỏ những sắc lệnh của ông Trump, cũng như cách đối xử với Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng", Matthew Kanterman, nhà nghiên cứu tại Bloomberg Intelligence nhận định.