Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xiaomi lên sàn chứng khoán: 'Phượng hoàng' có cất cánh?

Đặt mục tiêu 10 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hong Kong vào cuối tháng 6, đáng tiếc Xiaomi chỉ thu về 4,7 tỷ USD và được định giá ở mức 54 tỷ USD, chỉ khoảng một nửa so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, trong bài viết gần đây với tiêu đề “Có gì đằng sau Xiaomi của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới?”, hãng tin CNBC đã ví công ty này như “quái nhân Juggernaut” trong loạt truyện siêu anh hùng Marvel. Câu hỏi đặt ra là: Xiaomi có thật sự mạnh đến thế?  

 "Phượng hoàng của Trung Quốc"

Chỉ sau 8 năm thành lập, cái tên Xiaomi nhanh chóng phổ biến trên toàn cầu. Tổ chức International Data Corporation đã bình chọn thương hiệu này lớn thứ tư trên thế giới - xếp sau Apple, Samsung, và người “đồng hương” Huawei.

Thống kê năm 2017, doanh thu của Xiaomi đã tăng hơn 67% so với năm trước giúp thương hiệu này được ưu ái đặt cho cái tên “phượng hoàng của Trung Quốc”.

Xiaomi len san chung khoan anh 1
Doanh thu của Xiaomi đa phần từ hoạt động kinh doanh smartphone, âm nhạc và phát video trực tuyến. Ảnh: CNN.

Doanh thu này đa phần đến từ hoạt động kinh doanh smartphone, âm nhạc và phát video trực tuyến (video streaming). Bên cạnh đó, theo quan sát của CNBC tại Hong Kong, khách hàng của Xiaomi còn quan tâm đến các sản phẩm như ví, gối, thậm chí nồi cơm điện… bên cạnh dòng smartphone.

Nhớ lại thời điểm năm 2010 khi vừa ra mắt công chúng, Xiaomi chỉ là một hãng điện thoại chuyên bán smartphone cho người dùng trực tuyến với mục đích giảm chi phí đầu vào. Công ty này cũng hạn chế chi tiền quảng cáo và chủ yếu dựa vào nhóm đối tượng khách hàng trung thành để truyền bá thông tin. Bằng mô hình kinh doanh giá rẻ, Xiaomi hiện đã có mặt trên 74 thị trường, với gần 15.000 nhân viên và sở hữu hơn 300 triệu người dùng.

Với những lợi thế trên, ông Lei Jun - CEO của Xiaomi đã tự tin tuyên bố “không một công ty smartphone nào ngoài kia có thể làm được như Xiaomi” trong cuộc họp báo hồi giữa tháng sáu - trước thềm sự kiện IPO của Xiaomi.

Dù vậy, trái ngược với mong đợi của “phượng hoàng Trung Quốc”, giới công nghệ đón nhận thông tin trên bằng thái độ ngờ vực, đặc biệt trước mức kỳ vọng hàng chục tỷ USD mà hãng đặt ra.

Có tiếng nhưng… ít miếng

Thực chất, con số tăng trưởng 67,5% không ấn tượng như nhiều người tưởng khi Xiaomi vừa có một khoản lỗ lớn trong năm 2017- cây bút Doug Young phân tích trên trang SeekingAlpha.

Cụ thể, công ty đã lỗ ròng đến 44 tỷ Nhân dân tệ - chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của năm. Chưa kể, việc trung thành với chiến lược bán hàng giá rẻ khiến sản phẩm của Xiaomi bị liệt vào phân khúc dưới của thị trường smartphone.

Và để “lấp đầy” lỗ hổng trên, tại buổi họp báo, Lei Jun cùng ban lãnh đạo của Xiaomi đã ra sức thuyết phục giới đầu tư bằng mô hình kinh doanh “3 trong 1” độc đáo mà công ty đang hướng đến.

“Mọi người không nên xem Xiaomi là một công ty phần cứng, một công ty Internet hay một công ty thương mại điện tử. Chúng tôi là một loại công ty hiếm vừa có thể kinh doanh được cả phần cứng, Internet và thương mại điện tử. Công ty kiểu này thực chất từ trước đến nay chưa bao giờ có”, CFO Chew Shou Zi phát biểu.

Đáng tiếc, niềm tự hào hiếm hoi này của Xiaomi nhanh chóng bị trang công nghệ Quartz dập tắt: “Hãy nhìn vào Apple. Dù Apple kiếm tiền từ cả phần cứng và phần mềm nhưng điện thoại iPhone vẫn là sản phẩm đem lại nhiều lợi nhuận hơn cả nhờ chạy trên phần mềm iOS độc quyền của công ty. Trong khi đó, Xiaomi chỉ bán các thiết bị chạy trên Android và chúng đem lại lợi nhuận ‘mỏng dính’”.

Chưa kể, các “ông lớn” Internet như Alibaba và Amazon cũng từng dấn thân vào kinh doanh phần cứng nhưng hoạt động này chưa bao giờ là một phần cốt lõi cho doanh thu của họ.

Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa trên, Doug Young dự báo nhiều khả năng “phượng hoàng Trung Quốc” không tạo ra được lợi nhuận trong vòng 2-3 năm tới. Ông khuyên các nhà đầu tư nên đợi thêm một thời gian khi các dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ công ty đủ khả năng sống sót trên thị trường.

“Về lâu dài, để thu được lợi nhuận cao trên thực tế, Xiaomi cần chuyển sang sản xuất các thiết bị cao cấp, những sản phẩm thường có lợi nhuận béo bở hơn”, cựu phóng viên Reuters bình luận.

Dù nhận được những phản hồi không mấy tích cực từ thị trường nhưng thương vụ IPO của Xiaomi đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều “ông lớn”. Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, một quỹ nhỏ của ông trùm đầu cơ George Soros đã đặt mua một lượng cổ phiếu của Xiaomi. Trong khi đó, quỹ đầu tư Trung Quốc Hillhouse Capital đã chi khoảng 600 triệu USD và tập đoàn Capital Group (Mỹ) cũng đặt mua số cổ phiếu có giá trị hơn 500 triệu USD.

Suy cho cùng, Xiaomi vẫn được xem là “phượng hoàng” trong mắt giới đầu tư. Tuy có gặp chút khó khăn trong lần cất cánh đầu tiên nhưng đây vẫn là cái tên được nhiều người kỳ vọng trong tương lai.

'Apple của Trung Quốc' muốn lên sàn Hong Kong, thu về 10 tỷ USD

Xiaomi, hãng sản xuất smartphone lớn thứ 5 trên thế giới, đã gửi hồ sơ lên sàn tới sàn chứng khoán Hong Kong để chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu, dự kiến thu về 10 tỷ USD.

Vân Thảo

Bạn có thể quan tâm