Theo thống kê của Hội đồng GS Nhà nước, số ứng viên GS, PGS năm 2021 qua vòng xét duyệt ở 28 Hội đồng GS ngành/liên ngành là 416/495 ứng viên; có 79 ứng viên GS, PGS bị loại (gồm 73 ứng viên ở 26 Hội đồng GS ngành/liên ngành khoa học cơ bản và 6 ứng viên ở 2 Hội đồng GS ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quốc phòng).
Trước đó, khi các Hội đồng GS cơ sở gửi danh sách ứng viên lên các Hội đồng GS ngành/liên ngành, Hội đồng GS Nhà nước đã nhận được đơn tố cáo một ứng viên của Hội đồng GS liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục đạo văn. Hôm qua, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, cho biết ứng viên này đã bị loại do hồ sơ không đủ tiêu chuẩn.
Theo PGS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, công tác xét công nhận ứng viên GS, PGS năm 2021 đến thời điểm hiện tại không có vấn đề nổi cộm như những năm trước. Hội đồng GS Nhà nước có nhận được đơn thư phản ánh ở một số Hội đồng GS ngành/liên ngành và đều đã chuyển để các Hội đồng này xem xét. Riêng với liên ngành Triết học - Xã hội học và Chính trị học, theo báo cáo của Hội đồng GS ngành, Hội đồng đã xem xét các bài báo và nhận thấy đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, ngay sau khi Hội đồng GS ngành/liên ngành công bố danh sách ứng viên được đề xuất lên Hội đồng GS Nhà nước xét duyệt, Tiền Phong nhận được đơn tố cáo một ứng viên của Hội đồng GS liên ngành Xây dựng - Kiến trúc năm 2021.
Theo đó, ứng viên này không đảm bảo yêu cầu về liêm chính trong nghiên cứu khoa học cũng như tư cách đạo đức để được xem xét chức danh PGS nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung. Trong đó, đơn tố cáo phản ánh ứng viên này đã liên tục đạo văn một cách có hệ thống từ năm 2016-2021 cho các công bố quốc tế từ hội thảo đến tạp chí quốc tế (Scopus, ISI). Điều này đã vi phạm tư cách đạo đức của nhà giáo trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại trường ĐH.
Mặt khác, ứng viên này đã không đảm bảo điều kiện cứng là 3 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ông Tuấn cho biết, Hội đồng GS Nhà nước cũng xác nhận đã nhận được phản ánh này và đã chuyển tới Hội đồng GS liên ngành Xây dựng - Kiến trúc để xem xét.
Xét công nhận GS, PGS năm 2021 đang đi đến hồi kết. |
Ở một số ngành khác, số lượng ứng viên bị loại tương đối lớn. Liên ngành Điện - Điện tử - Tự động có một nửa ứng viên bị loại ở đợt xét của Hội đồng GS liên ngành. Chỉ có 13/26 ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021.
Ở một số ngành khác cũng có nhiều ứng viên bị loại trong đợt xét của Hội đồng GS ngành, liên ngành như Công nghệ thông tin (7 ứng viên), Kinh tế (6 ứng viên). Riêng ngành Y học, ngành có nhiều ứng viên nhất, chỉ có 5 ứng viên bị loại.
Kỷ lục trong lịch sử ngành Toán
Đứng đầu bảng số lượng ứng viên bị loại khi xét duyệt ở Hội đồng GS ngành là ngành Toán, chỉ 11/25 ứng viên đạt yêu cầu. Hôm qua, trao đổi với phóng viên, GS. TS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Toán, cho biết, năm 2021 có thể được coi là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử xét công nhận GS, PGS ngành Toán khi chưa tới 50% ứng viên đạt yêu cầu.
Ông Hoa thông tin, khoảng 30% ứng viên bị loại liên quan đến hồ sơ không đảm bảo tiêu chuẩn cứng về giờ giảng dạy như quy định của Hội đồng GS Nhà nước; một số ứng viên cẩu thả trong làm hồ sơ. Ở dưới Hội đồng GS cơ sở có thể cho qua, nhưng Hội đồng GS ngành Toán không đồng ý. Ông Hoa cho hay, Hội đồng GS ngành Toán xét theo đúng quy định của Hội đồng GS Nhà nước, trong đó một tiêu chí quan trọng là phải đạt số phiếu quy định ở vòng bỏ phiếu.
"Nếu tính theo điểm phần cứng như quy định của Hội đồng GS Nhà nước thì ứng viên GS chỉ gấp đôi ứng viên PGS. Nhưng với ngành Toán, yêu cầu gấp 4-5 lần ứng viên PGS. Nên tỉ lệ đạt ứng viên GS ngành Toán rất thấp", ông Hoa nói. Ông khẳng định, trong lịch sử xét công nhận ứng viên GS, PGS của Việt Nam, rất hiếm khi ngành Toán có số ứng viên GS đạt 100%, từ ngày ông vào Hội đồng chưa có năm nào đạt được tỷ lệ này.