Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xem xét điều chuyển người đứng đầu khi cấp dưới tham nhũng

Phó thủ tướng quán triệt việc kiểm điểm người đứng đầu nếu địa bàn, lĩnh vực xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng, hoặc có cán bộ dưới quyền tham nhũng.

Yêu cầu trên được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của hai ban này, ngày 7/1.

Phó thủ tướng ghi nhận công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ tội phạm giảm theo từng năm, song ông cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại.

Điển hình như tình hình trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng. Hoạt động tội phạm “bảo kê, tín dụng đen”, ma túy vẫn phức tạp.

Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng…

can bo cong chuc bao ke toi pham anh 1

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh người đứng đầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: VGP.

Trong nhiều nguyên nhân của những hạn chế này, Phó thủ tướng cho rằng có việc một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao.

Đặc biệt, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại...

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần giúp Chính phủ thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 đã đề ra.

Lần này, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó thủ tướng nhấn mạnh người đứng đầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác”, Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ Công an nói về vụ Đường ‘Nhuệ’, Phú Lê

Theo tướng Lê Quý Vương, tội phạm có tổ chức được kiềm chế, nhưng một số băng nhóm hoạt động trong thời gian dài mới được phát hiện như Đường “Nhuệ”, Loan “Cá”, Phú Lê.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm