Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - cho hay cần đưa thêm 2 điều khoản dự thảo luật. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí phải thực hiện 2 nội dung.
Đầu tiên là xây dựng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền (có thể là Bộ Công Thương, tập đoàn dầu khí…) phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường.
Thứ hai, thực trạng hiện nay cho thấy kể cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều xem thủ tục này giống như thủ tục hành chính. Nhiều kế hoạch như ứng phó sự cố hóa chất, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố chất thải… sau khi được phê duyệt liền cất tủ mà không được thực thi.
Do đó, 2 nội dung doanh nghiệp và tổ chức cần làm là xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó triển khai thực hiện. Nếu chỉ thẩm định mà không triển khai thực hiện thì không có giá trị.
Toàn cảnh hội thảo về Luật dầu khí sửa đổi. |
Tương đương với nội dung này, cơ quan quản lý phải thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường. Đặc biệt, phải kiểm tra, đánh giá thực tế, khảo sát trước khi thẩm định. Sau khi thẩm định, cơ quan quản lý phải tham gia vào các buổi thực hành diễn tập định kỳ hàng năm để theo dõi vấn đề tuân thủ của các doanh nghiệp dầu khí có triển khai một cách thực tế không.
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, người trực tiếp điều hành hoạt động thăm dò và khai thác, cho biết thực chất với những hoạt động dầu khí từ rung nổ địa chấn nhỏ, khoan hay hoạt động khai thác, hiệp hội luôn có đánh giá tác động môi trường và thanh tra giám sát việc thực hiện. Tất cả nằm trong quy trình thực hiện các hợp đồng dầu khí mà nhà đầu tư phải tuân thủ.
“Nhìn lại từ lúc Việt Nam bắt đầu có các hợp đồng dầu khí đến nay, nước ta chưa để xảy ra một vụ vi phạm nghiêm trọng nào về vấn đề không tuân thủ”, ông cho biết.
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam tại hội thảo. |
Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Thập cho biết thêm, hoạt động rơi vãi xăng dầu trên biển có nhiều nguyên nhân. Do Biển Đông nằm trong khu vực các hoạt động giao thương quốc tế lớn, tàu bè đi lại nhiều dẫn đến môi trường biển bị đe dọa. Tất cả sự cố như đường ống bị bục, khí thoát ra ngoài đều có báo cáo với cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xử lý. Cho đến thời điểm hiện nay, riêng công tác đánh giá, giám sát thực hiện và sau thực hiện, Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá ổn.
Đồng tình với quan điểm của ông Sơn, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam - cho rằng nên quy định cụ thể trong luật vấn đề liên quan tới sự cố môi trường. Đồng thời, cần chú trọng việc xây dựng đi vào thực thi, giám sát.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần thiết kế luật theo tư duy tăng thu hút đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí. Đồng thời, cần làm rõ các khái niệm dự án mới, dự án mở rộng, dự án ưu đãi đặc biệt, dự án trong chuỗi để áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí, tránh trường hợp bị lùng nhùng, lạm dụng và khó xử lý.
TS Nguyễn Minh Phong phát biểu tại hội thảo. |
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng dự thảo luật nên thiết kế bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp nào, phòng trường hợp bị lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định.
TS Phong đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi, nếu không làm vậy có thể xảy ra câu chuyện “mua đắt mua rẻ”. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và và an ninh quốc phòng.