Những ngày qua, cầu thủ gốc xứ Nghệ Nguyễn Công Phượng đã làm hàng triệu trái tim người Việt Nam thổn thức, đập loạn nhịp vì những pha bóng xử lý lắt léo qua hậu vệ đối phương. Không những thế, chàng trai trẻ còn được báo chí nước ngoài quan tâm, tung hô trong tình huống cầm bóng đi qua 5 cầu thủ đội tuyển Úc trước khi dứt điểm ghi bàn vào lưới đội bạn.
Quê Công Phượng còn nghèo, xung quanh đồi núi bao bọc. |
Nhưng có một câu chuyện mà ít ai có thể ngờ được về người dân xóm 6, xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương - Nghệ An) nơi Công Phượng sinh ra.
Theo lời kể của người dân nơi đây, để dõi theo từng bước chạy của cầu thủ trẻ này, mọi người phải trở về cảnh những năm 1990, khi mà người người, nhà nhà mang ghế đi xem truyền hình, kê gạch lót dép ngồi hàng dài để giữ chỗ. Ai muốn có vị trí sát với màn hình phải đến thật sớm.
Vì sao lại thế? Vì quê hương của cầu thủ Công Phượng còn rất nghèo, xung quanh toàn đồi núi, những người dân cả đời dãi nắng dầm mưa quanh sào ruộng, với hạt lúa, hạt ngô. Những người cha, người mẹ nghèo khuôn mặt cháy sạm, hằn vết khắc khổ lo cho con cái được học hành.
Với người dân nơi đây, nhà nào sắm được cái tivi là sang lắm rồi, ít ai có tiền đầu tư lắp cáp, mua đầu thu bản quyền.
Công Phượng với khoảnh khắc lóe sáng đã giúp U19 Việt Nam chiến thắng. |
Bởi thế, những trận đấu của U19 vừa qua, cứ đến giờ bóng đá là tivi bị mất tín hiệu. Cả xóm gần 130 hộ thì duy chỉ 3 hộ có mua đầu thu "xịn", mỗi trận đấu đều phải bê tivi ra sân phục vụ cho hàng trăm con người. Nhà nhà, người người đổ về ngồi chật kín sân.
Ở trận đấu mới đây nhất, U19 Việt Nam gặp U19 Myanmar, trận đấu đang hồi hấp dẫn, đến phút thứ 70 thì tivi lại mất tín hiệu. Cực chẳng đã, cánh đàn ông con trai xách xe máy phóng đến "điểm cầu". Ngõ xóm rộn tiếng còi xe cứ như dân chạy lũ, chỉ tội các mẹ và các chị chịu thiệt phải ở nhà.
"Khổ lắm chú ơi, ai không thích xài sang, có điều kinh tế không đủ thì biết làm sao. Người dân tụ tập một chỗ đông, người câu này người câu nọ, ồn ào có nghe được rõ đâu. Rồi cảnh đứng lên đứng xuống sau những pha bóng trước khung thành, vì thế cảnh coi được cảnh mất.
Thậm chí, để đối phó với tiếng ồn, ông Đặng Văn Toàn là một trong 3 hộ có đầu thu bản quyền vác luôn cái loa thùng ra thềm. Mở loa thật lớn, nghe cho đã cái tai." - anh Nguyễn Công Hoài trú xóm 6 cho biết.