Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nhìn chằm chằm vào TV (và màn hình máy tính) sẽ không gây hại lâu dài cho mắt. Tuy nhiên, tập trung mắt quá lâu vào một vật gì đó có thể gây mỏi mắt, một hiện tượng tạm thời nhưng khó chịu.
Vậy, nếu xem TV quá nhiều không thực sự ảnh hưởng đến thị lực của bạn, tại sao hầu hết các bà mẹ trên thế giới lại cảnh báo con như vậy? Theo trang Howstuffworks, ở một thời điểm nào đó, lời cảnh báo này hoàn toàn dựa trên sự thật. Trở lại những năm 1960 (ở Mỹ), ngày càng nhiều gia đình có khả năng mua TV và lúc đó, TV là một thiết bị công nghệ mới và rất hấp dẫn. Tất nhiên, đó không phải là những chiếc TV LCD màn hình phẳng như chúng ta có ngày nay. Khi đó, TV trông như chiếc hộp to, xù xì – có rất nhiều các loại ống điện tử, dây điện và bóng đèn.
Vào năm 1976, hãng General Electric Company (GE) đã tiết lộ một sự thật rằng nhiều mẫu TV màu của họ do lỗi sản xuất đã phát ra quá nhiều tia X. Tiếp xúc quá mức với tia X có thể nguy hiểm, và các chuyên gia y tế đã ước tính mức bức xạ từ các ống điện tử trong TV của GE thời đó cao gấp 10 đến 100.000 lần so với tỷ lệ được xem là an toàn. GE đã sửa lỗi này bằng cách che chắn, ẩn các ống này bên trong TV.
Lúc đó, các chuyên gia y tế đã cho rằng mức độ phóng xạ cao không ảnh hưởng đến hầu hết người xem. Tuy nhiên, họ cũng khuyến cáo trẻ em ngồi quá gần TV trong hơn 1 giờ đồng hồ, vì tia X bắn qua các lỗ thông hơi ở phía dưới đáy của TV. Ngay cả khi GE đã thu hồi và sửa lại những mẫu máy bị lỗi, mối đe dọa về việc tia X gây hại vẫn ở trong tâm trí mọi người. Vì thế, đó là một trong những lý do khiến các ông bố, bà mẹ luôn khuyến cáo con trẻ không nên xem TV nhiều quá.
Còn các lý do nào nữa? Trẻ thường ngồi trên sàn nhà để xem TV, đầu của chúng phải ngẩng lên. Điều này gây mỏi mắt hơn là ngồi ngang tầm mắt với TV. Nhưng, mỏi mắt không phải là bệnh lâu dài.
Cuối cùng, các bậc bố mẹ có thể nhầm lẫn triệu chứng. Ngồi gần TV có thể không khiến trẻ cận thị, nhưng một đứa trẻ có thể ngồi gần TV bởi vì cậu/cô bé bị cận thị. Nếu trẻ có thói quen ngồi gần mới xem TV được thoải mái, hãy đưa con trẻ đi kiểm tra mắt.
Cận thị và các phương tiện giải trí hiện đại
Hầu hết các bác sỹ mắt sẽ chắc chắn với bạn rằng xem TV quá nhiều sẽ không gây ra những tổn hại lâu dài cho mắt. Tuy nhiên, điều này có vẻ thật đáng nghi ngờ, vì thế cần tìm hiểu một số nghiên cứu về chủ đề này.
Đầu tiên, cần hiểu một chút về mắt và tật cận thị. Giác mạc và thấu kính là các bộ phận của mắt tập trung hình ảnh. Bình thường, những bộ phận này có hình dáng và độ cong hoàn hảo. Đường cong khúc xạ ánh sáng, tạo ra một hình ảnh được tập trung sắc nét ngay trên võng mạc. Nếu mắt bị cận thị, giác mạc hoặc thấu kính thường cong quá mức, gây ra lỗi khúc xạ, khiến ánh sáng tập trung ở phía trước võng mạc và làm mắt nhìn các vật ở xa thấy mờ.
Nếu bạn bị cận thị, bạn có thể nhìn rõ những vật ở gần, nhưng các vật ở xa lọt ra ngoài vòng tiêu điểm. Bạn có thể phải nheo mắt để nhìn rõ hơn. Cận thị có thể bị nhẹ hoặc nặng, và dễ dàng điều trị bằng các loại kính cận hoặc kính áp tròng.
Một số người tin rằng các yếu tố môi trường cũng có thể gây ra cận thị - như ngồi quá gần TV hoặc màn hình máy tính, hoặc đọc sách quá gần. Trở lại những năm cuối thập kỷ 60, một nghiên cứu gây tranh cãi về các gia đình người Eskimo đã làm nổ ra vấn đề này. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu một nhóm người Eskimo, những người không được đến trường hoặc không được tiếp xúc với nền văn minh hiện đại cho đến khoảng chiến tranh thế giới thứ II.
Các nhà nghiên cứu đã có một phát hiện thú vị - trong nhóm người này, những người ở độ tuổi 56 hoặc lớn hơn có tỷ lệ mắc cận thị bằng 0. Những người ở tuổi 30 có tỷ lệ mắc cận thị là 8%, nhưng con cái của họ - lớp thế hệ đầu tiên của nhóm người Eskimo bắt đầu đọc – có tỷ lệ mắc cận thị tới 59%. Kết luận hiển nhiên là việc tập trung nhìn gần, như đọc sách, gây ra cận thị. Tuy nhiên, một số nghi ngờ nghiên cứu này, vì những em được đưa đến khám mắt lại là do bố mẹ các em nghĩ rằng chúng có vấn đề về thị lực.
Gần đây hơn, một nghiên cứu của Australia phát hiện ra trẻ em dành nhiều thời gian ở ngoài trời không bị cận thị nhiều như những em suốt ngày ở trong nhà. Nghiên cứu so sánh 2 nhóm trẻ, cả hai đều có lượng thời gian xem TV, đọc sách, chơi game như nhau. Nhưng nhóm trẻ dành chỉ 30 phút một ngày ở ngoài trời, trong khi nhóm kia dành khoảng 2 giờ. Nhóm thứ hai ít bị cận thị hơn. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng ánh nắng mặt trời có thể giúp điều chỉnh sự phát triển cầu mắt của trẻ. Thời gian xem TV không hề tác động gì.
Tuy nhiên, dù xem TV không gây mù mắt hay bất cứ tác hại lâu dài nào đến mắt, song nó lại gây mỏi mắt.
Mỏi mắt: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Xem TV quá nhiều, đọc quá nhiều sách hay nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính không thể gây tổn hại vĩnh viễn cho mắt. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này có thể gây mỏi mắt, một hiện tượng bạn không nên xem thường.
Mỏi mắt là khi mắt của bạn bị mệt vì phải hoạt động quá nhiều. Bạn có thể bị mỏi mắt khi xem TV trong phòng tối, dùng máy tính hoặc lái xe quá lâu. Đọc sách thiếu ánh sáng cũng gây mỏi mắt. Bất kỳ khi nào bạn tập trung mắt quá lâu vào một cái gì đó, bạn đều có nguy cơ bị mỏi mắt.
Các triệu chứng của mỏi mắt bao gồm:
Đau đầu
Đau, rát hoặc ngứa mắt
Mắt mệt mỏi
Chảy nước mắt
Khô mắt
Mờ mắt hoặc nhìn một hóa đôi
Nhạy cảm với ánh sáng
Khó tập trung khi chuyển đổi đọc giữa giấy và màn hình PC.
Cảm giác "dư ảnh" khi nhìn ra khỏi màn hình.
Mỏi mắt là một hiện tượng mà bạn có thể tự chữa cho mình. Với hầu hết mọi người, cách điều trị đơn giản là thư giãn mắt, có những khoảng nghỉ đều đặn giữa những lần phải tập trung nhìn vào cái gì đó, khoảng 5 phút mỗi giờ. Chớp mắt cũng giúp mắt bạn đỡ khô.
Nếu mắt bạn bị khô, hãy thử dùng một số loại thuốc nhỏ mắt. Ngoài ra, cần đảm bảo kính mắt hoặc kính áp tròng phù hợp với mắt của mình. Bạn cũng có thể mua một số loại kính, thuốc đặc biệt dùng cho công việc máy tính.
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu vấn đề mỏi mắt, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau tại nơi làm việc và cả ở nhà.
Tại nơi làm việc:
Để màn hình máy tính cách xa mắt khoảng 1 cánh tay.
Nên để màn hình sao cho phía trên cùng của màn hình ngang với tầm mắt hoặc thấp hơn, để khi đọc màn hình mắt bạn hơi thấp xuống một chút.
Giảm độ chói của màn hình.
Hãy chắc chắn rằng bàn phím của bạn ở ngay trước màn hình, vì thế mắt của bạn không phải làm việc quá vất vả.
Ở nhà:
Khi đan, may vá hoặc thực hiện các công việc cần nhìn gần khác, đảm bảo đủ ánh sáng và chiếu sáng trực tiếp vào công việc của bạn.
Khi ngồi trên ghế đọc sách báo, nguồn sáng nên chiếu từ phía sau và chiếu trực tiếp trên trang sách.
Phòng có ánh sáng nhẹ nhàng trong khi xem TV. Sự tương phản quá nhiều giữa màn hình và không khí quanh phòng có thể khiến mắt bạn phải làm việc quá nhiều.