Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xem lại quy trình tiêm chủng cho trẻ

Nguyên nhân gây ra cái chết của 3 em bé ở Quảng Trị vẫn chưa được xác định nhưng các chuyên gia y tế đề nghị cần xem lại việc tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi chào đời.

Xem lại quy trình tiêm chủng cho trẻ

Nguyên nhân gây ra cái chết của 3 em bé ở Quảng Trị vẫn chưa được xác định nhưng các chuyên gia y tế đề nghị cần xem lại việc tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi chào đời.

Chiều 21/7, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng viện Dịch tễ trung ương, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị về vụ việc 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B tại bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa.

Sự cố nghiêm trọng

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, đã báo cáo kết luận giám định tử thi của 3 trẻ.

Theo đó, kết quả khám nghiệm cho thấy mặt của các trẻ bị phù; mặt, môi, móng chân và tay tím; đùi phải có vết tiêm chích nhỏ bằng đầu đinh ghim và có hiện tượng phản ứng cơ điện 4x4cm thâm tím; các khoang màng phổi có dịch xuất tiết; xuất huyết thâm mạc phổi và ngoại tâm mạc, ngoài màng cứng não; xung huyết gan, thận; phù não...

Sáng nay 22/7, Bộ Y tế sẽ làm việc với bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị để thu thập tài liệu và định hướng điều tra. Trong tuần này, hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế sẽ họp để đưa ra kết luận vụ việc.

Với các dấu chứng trên, theo trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị là do tình trạng sốc phản vệ sau khi tiêm vắcxin.

Ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết trong 4.000 liều vắcxin mà tỉnh này được cấp thì đã sử dụng 2.910 liều, trong đó huyện Hướng Hóa 520 liều. “Các đơn vị sau khi tiến hành tiêm cho các trẻ đều không xảy ra vấn đề gì”.

Sau khi sự cố xảy ra, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã cử người đến gia đình 3 trẻ thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ 8 triệu đồng/trường hợp.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển nhận định đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, cần sớm làm rõ nguyên nhân. “Hiện chúng tôi chưa thể kết luận hay đưa ra bất kỳ thông tin nào về vụ việc này”, GS-TS Hiển nói.

Thượng tá Lê Quang Công, Trưởng phòng cảnh sát Hình sự (PC45) Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết đã phong tỏa hiện trường, niêm phong các lô vắcxin, hồ sơ liên quan và lấy lời khai của người nhà nạn nhân cũng như người trực tiếp tiêm vắc-xin là y tá Nguyễn Thị Thuận. “Chúng tôi đã lấy mẫu vắcxin gửi viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an để xét nghiệm xem có đạt chất lượng hay không. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới”.

Xe y tế đưa thi thể con ông Nguyễn Đình Đạo, 1 trong 3 trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, về quê chôn cất.

Vắcxin tiêm cho 3 trẻ tử vong thuộc 2 lô trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, do công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - viện Dịch tễ Trung ương sản xuất, hạn dùng đến năm 2015. Theo đại diện Vabiotech, đơn vị này đang khẩn trương rà soát hồ sơ liên quan đến quy trình sản xuất vắcxin.

Cùng ngày, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết hiện vắc-xin cùng lô với loại đã tiêm cho 3 trẻ tử vong được tạm ngừng sử dụng trên toàn tỉnh Quảng Trị.

Cũng theo bà Hằng, hiện tại, vắcxin phòng viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn được chỉ định tiêm mũi 1 trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì có hiệu quả bảo vệ cao nhất cho trẻ.

Nên thay đổi lịch tiêm chủng?

Cho rằng đây là sự cố đáng tiếc và nghiêm trọng, GS-TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng viện Kiểm định Vắcxin và Sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng cần xem lại quy trình tiêm chủng và cân nhắc việc thay đổi lịch tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.

“Tôi không nghi ngờ chất lượng vắcxin nhưng lo về việc thực hiện tiêm chủng đối với vắcxin này chưa hợp lý. Một y tá của nhà hộ sinh thì kỹ năng tiêm chủng không thể bằng nhân viên y tế chuyên phụ trách công tác tiêm chủng. Với một lọ vắcxin được lấy trong tủ lạnh thì phải được để ấm trước khi tiêm cho trẻ, nếu tiêm ngay thì cơ thể trẻ có thể sốc vì lạnh”, GS Bảng lo ngại.

GS Bảng khuyến nghị không nên tiêm vắcxin cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh, càng không nên tiêm trong 24 giờ đầu khi chào đời để tránh những tác động lạ mà nên thực hiện mũi tiêm đầu tiên khi trẻ đã được 2-3 tháng tuổi.

“Không phải bây giờ tôi mới đề nghị lùi lịch tiêm vắcxin mà đã để nghị từ gần 10 năm trước, nhất là thời điểm năm 2007, khi Việt Nam liên tiếp xảy ra các sự cố liên quan đến tiêm vắcxin viêm gan B” - GS Bảng nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo quy định của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắcxin viêm gan B được tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, trước khi tiêm, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận để khẳng định không mắc bệnh gì. Dù vậy, kể cả khi thăm khám, sàng lọc thì có những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể trẻ cũng chưa chắc đã được phát hiện.

“Sinh ra khóc to, bú tốt, nhịp thở bình thường, da hồng là những dấu hiệu chứng tỏ trẻ khỏe mạnh nhưng sau 6-12 giờ có thể bị suy hô hấp. Hơn nữa, ngày đầu sau sinh, sức khỏe của trẻ diễn biến khó lường nên chưa thể nói rằng do vắc-xin hay do bệnh ngẫu nhiên của trẻ” - PGS Dũng nhận định.

Tiêm sớm để “phòng bệnh hiệu quả”

Một chuyên gia y tế dự phòng cho rằng việc tiêm vắcxin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh được khuyến cáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới bởi biện pháp này giúp trẻ phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền bệnh này từ người mẹ mang virus viêm gan B sang con sẽ ít hiệu quả.

Tại Việt Nam, có tới 20% dân số mang kháng nguyên viêm gan B. Khoảng 10% bà mẹ mang thai có mang virus viêm gan B và 90% trong số đó truyền sang con trong quá trình sinh nở. Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, tiêm vắcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con đến 80%-95%.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng lưu ý những trẻ đẻ non, nhẹ cân; trẻ bị đẻ khó; mẹ bị sốt trước, sau khi sinh; nước ối bẩn; con bị ngạt; thai già tháng; trẻ dị tật… cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm.

Vừa khởi sắc đã gặp sự cố

Tại Việt Nam, vắc-xin viêm gan B được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1997. Kể từ sau hàng loạt sự cố trẻ sốc phản vệ tiêm vắcxin viêm gan B năm 2007, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh trên toàn quốc giảm mạnh từ 64% (năm 2006) xuống còn chưa đầy 30% (năm 2007) và năm 2008 là 24%, năm 2011 chỉ hơn 20%. Thời gian gần đây, tỷ lệ này dần nhích lên, đạt gần 40%.

Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắcxin viêm gan B là 0,56/liều. Ngoài ra, các phản ứng nhẹ thường gặp có thể là sưng, đau, khó chịu, mệt mỏi, sốt nhẹ...

Theo Người Lao Động

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm