Đại gia Hải Dương đặt trực thăng trên nóc nhà
Gần đây, bức ảnh một chiếc trực thăng đậu chễm chệ trên nóc tòa biệt thự nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) khiến người xem không khỏi trầm trồ về độ chịu chơi và giàu có của đại gia Việt.
Những hình ảnh trên bức ảnh cho thấy, căn biệt thự rất to và rộng với chiếc cổng kiên cố và hoành tráng. Nhiều đồn đoán còn cho rằng đây là vị đại gia đầu tiên ở Việt Nam dùng trực thăng riêng đi lại thay vì các phương tiện bình thường khác.
Cận cảnh chiếc trực thăng mô hình đỗ trên nóc căn biệt thự. |
Tuy nhiên, thực chất chiếc trực thăng này chỉ là mô hình. Ông Hoàng Văn Thăng - Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động chủ nhân của căn biệt thự trên tháo dỡ mô hình trực thăng khỏi nóc toà nhà vì lý do không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc xung quanh. Song, gia chủ vẫn bảo lưu ý kiến, không di dời.
Những người dân lân cận cho biết, ông chủ của toà biệt thự có trực thăng đậu trên nóc này là một đại gia buôn gỗ tên Thành rất hiếm khi xuất hiện. Hiện, quần thể biệt thự của vị đại gia có nhiều hạng mục bằng gỗ đang trong quá trình hoàn thiện.
Tại Việt Nam, bầu Đức và bầu Long được biết đến là vị đại gia đang sở hữu trực thăng, máy bay riêng. Tuy nhiên, việc để một chiếc trực thăng ngay trên nóc nhà, ở nước ta vẫn là... của hiếm và là hình ảnh chưa bao giờ bị bắt gặp.
Để "xe tăng" trong khu vườn 5.000 đại thụ cổ quái
Giới chơi cây cảnh cả nước ai cũng biết đến đại gia Nguyễn Văn Phiến ở Việt Trì, Phú Thọ. Ông là một người mê cây, có bao nhiêu gia sản đều đổ hết vào cây cối. Đại gia này được đánh giá là người sở hữu nhiều cây đẹp và đắt tiền nhất Việt Nam.
Cơ ngơi trị giá cả trăm tỷ tại thành phố Vĩnh Yên của đại gia Phiến "cá". |
Cơ ngơi của đại gia này là khu vườn sinh thái nằm ngay trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu vườn rộng 15 ha với 5 ha đất trồng và 10 ha mặt nước được ông thuê lại của thành phố. Tại đây có tới 5.000 cây cảnh với đủ chủng loại, kích cỡ, độ tuổi, thế giáng và giá trị. Đặc biệt, trong đó có hàng trăm cây cổ thụ hình thù kỳ quái, độc đáo hiếm có...
Ông còn được gọi với biệt danh Phiến "cá" vì kinh doanh cá. Tuy nhiên, nhiều người còn gọi ông là đại gia xe tăng vì khu vườn có một chiếc xe tăng đặt ở bục cao tại vị trí trung tâm, độc đáo và hiếm có nhất Việt Nam. Đây là chiếc xe tăng được đưa về từ Điện Biên. Hình ảnh chiếc xe tăng được đặt trang trọng, tạo điểm nhấn cho khu vườn.
Khu vườn đại gia Phiến "cá" độc đáo bởi chiếc xe tăng đặt ở bục cao. |
Kỹ sư “chân đất” chế tàu ngầm mini
Đầu năm 2014, dư luận ngỡ ngàng khi ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Thái Bình) công bố về chiếc tàu ngầm mini tự chế với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch.
Ông Hòa chế tàu ngầm Trường Sa. |
Tàu ngầm Trường Sa 1 của ông Hòa dài gần 9 m, đã vận hành thử nghiệm “ngon lành” trong bể chứa nước ở giữa sân xí nghiệp của mình. Dự kiến, tàu ngầm này có thể lặn sâu 50m, hoạt động độc lập trên biển 15 ngày, lúc lặn có thể đạt tốc độ 20-25 hải lý/giờ!
Tàu ngầm Trường Sa. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiếc tàu ngầm sản xuất thủ công như của người kỹ sư cơ khí “chân đất” ở quê lúa Thái Bình này chẳng khác gì một thứ đồ chơi được làm đắt tiền, bởi vì ông Hòa đã bỏ ra 1 tỷ đồng để lắp ráp nó. Để đưa chiếc tàu ngầm này vào sử dụng chắc sẽ còn một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm và tốn nhiều tiền của, thời gian.
"Đại gia" chân đất chế máy bay để trong nhà
Nhiều nông dân, thợ rèn, thương binh... ở Việt Nam chấp nhận bị mang tiếng là dở hơi, liều lĩnh, thậm chí có người dám đánh đổi cả gia tài để theo đuổi niềm đam mê, hoài bão bay.
Đầu năm 2014, thông tin anh thợ sửa xe máy Nguyễn Văn Thắng (quận Long Biên, Hà Nội) chế tạo thành công máy bay khiến nhiều người ngỡ ngàng thán phục. Sau 3 tháng miệt mài, anh Thắng đã hoàn thiện chiếc trực thăng với tổng chi phí gần 200 triệu đồng.
Anh Thắng bên chiếc trực thăng tự chế. |
Với ý chí và sự kiên trì của một cựu pháo binh, cùng với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với máy móc kỹ thuật, giữa năm 2009, kỹ sư Bùi Hiển bắt đầu thực hiện những công đoạn đầu tiên của việc chế tạo máy bay. Năm 2012, chiếc máy bay trực thăng tự chế siêu nhẹ đầu tiên ra đời và đã bay thử trong xưởng của ông Hiển thành công.
Thương binh Bùi Hiển bên trực thăng tự chế. |
Đeo đuổi giấc mơ bay từ thời sinh viên, đến năm 2001, Phạm Xuân Quốc (TP HCM) quyết định bắt tay vào làm. Anh bắt đầu từ ý tưởng về một máy bay cánh quạt, rồi chuyển hướng sang làm trực thăng mini thể thao. Đến tháng 9/2010, chiếc trực thăng mini thể thao “made in Vietnam” ra đời.
Anh Quốc dành 10 năm chế tạo máy bay. |