Hàng trăm xe tải chở gỗ dăm dừng, đỗ lộn xộn chờ vào các bến cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
|
Nhiều ngày qua, từng đoàn xe tải chở gỗ dăm ở các nhà máy trên địa bàn Quảng Ngãi và Quảng Nam nối đuôi nhau chờ trước cảng Dung Quất để xuất hàng.
|
|
Xe tải đậu đỗ lộn xộn, chen chúc dày đặc ở khu vực vòng xoay phía trước cảng Dung Quất. Ông Đào Tấn Huê, Đội trưởng Dịch vụ cảng PTSC tại Khu kinh tế Dung Quất lý giải, thị trường gỗ dăm vào những ngày cuối năm giá cả ổn định nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất nhiều. |
|
Theo quy định, tàu trọng tải lớn mỗi khi cập cảng thì đơn vị tiếp nhận sản phẩm gỗ dăm phải làm thủ tục khai báo thông tin cho cơ quan chức năng... mất ít nhất 2 giờ. Trước khi rời cảng, họ phải kiểm tra hầm hàng, hoàn tất thủ tục thêm 2 giờ nữa. Do vậy, thời điểm khi tàu đến và trước khi tàu rời đi, khu vực phía trước cảng Dung Quất thường xuyên xảy ra tình trạng xe tải chở gỗ dăm ùn ứ. |
|
Xe tải chở gỗ dăm dàn hàng ngang trên đường về cảng Dung Quất. Theo ông Huê, nhiều lần đơn vị yêu cầu các xe tải phải xếp hàng trật tự lần lượt vào cảng để đưa dăm gỗ lên tàu tuy nhiên một số lái xe ý thức kém nên đỗ tràn lan trên đường gây mất an toàn giao thông. |
|
Người dân địa phương thả rông gia súc đi vào làn đường hai chiều gây mất an toàn giao thông trên tuyến đường về cảng Dung Quất. |
|
Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn), cho hay tài xế xe tải "tranh chuyến" làm rơi vãi gỗ dăm trên đường, văng vào nhà người dân. "Năm nào địa phương cũng có người tử vong do lái xe chở gỗ dăm phóng nhanh, vượt ẩu gây ra. Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản, họp hành đề nghị các doanh nghiệp chấn chỉnh nhưng tình trạng dăm gỗ rơi vãi, xe tải chạy quá tốc độ vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để", ông Vương nói. |
|
Anh Huy, lái xe tải chở gỗ dăm thuê cho một doanh nghiệp từ huyện Núi Thành (Quảng Nam) vào cảng Dung Quất cho hay có hôm đợi tàu đến cảng trễ, làm thủ tục mất thêm vài giờ, anh em lái xe phải treo võng dưới gầm xe ngủ qua đêm từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới xuất được hàng cho tàu. |
|
"Doanh nghiệp thuê chở hàng mỗi ngày trả công vài trăm nghìn, đợi chờ lâu thì tốn tiền ăn, uống với chi phí lớn", anh Huy nói. |
|
Nhân viên an toàn điều hành xe tải xếp hàng thứ tự chở gỗ dăm để xuất hàng cho các tàu trọng tải lớn đưa sang Trung Quốc, Nhật Bản tiêu thụ. |
|
"Khi hai tàu trọng tải lớn cùng lúc cập cảng PTSC và Gemadept thì mỗi ngày đêm có nhu cầu tiếp nhận khoảng 1.000 xe tải chở gỗ dăm (mỗi xe chở 20 đến 25 tấn sản phẩm) đổ dồn về khu vực cảng Dung Quất. Nếu các doanh nghiệp không chia phương tiện vận chuyển theo mốc thời gian hoặc tài xế không tuân thủ xếp hàng thì khó thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho khu vực này", một cán bộ phụ trách an toàn cảng PTSC chia sẻ. |
|
Tàu trọng tải 50.000 tấn tiếp nhận sản phẩm gỗ dăm ở cảng PTSC, Khu kinh tế Dung Quất. Nếu như năm 2007, Quảng Ngãi chỉ có 3 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu thì đến nay đã tăng lên đến 22 nhà máy. Lãnh đạo Hiệp hội gỗ dăm Quảng Ngãi cảnh báo việc phát triển nhà máy chế biến gỗ dăm ồ ạt, thiếu quy hoạch bài bản có nguy cơ đẩy doanh nghiệp lâm vào bế tắc, đóng cửa trong tương lai gần. |
Thực tế thị trường gỗ dăm xuất khẩu ở Quảng Ngãi chủ yếu xuất đi Trung Quốc nhưng hiện thị trường này đang siết lại việc nhập hàng hóa cùng với số lượng nhà máy chế biến gỗ dăm tăng đột biến dẫn đến cung vượt cầu. Trước thực trạng phát triển “nóng” hàng loạt nhà máy chế biến gỗ dăm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cơ quan chức năng hạn chế cấp phép mới cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Nguyên nhân là thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ dăm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Trong đó nổi cộm là tình trạng phá rừng, tranh giành mua nguyên liệu gỗ giữa các nhà máy.