Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong cả năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 81.609 xe ôtô nguyên chiếc các loại. Với tổng giá trị hơn 1,8 tỷ USD, bình quân mỗi xe ôtô nguyên chiếc nhập về Việt Nam năm qua có giá hơn 510 triệu đồng.
Nếu so với năm 2017 trước đó, lượng xe nhập về đã giảm 16% và giá trị nhập về cũng giảm gần 20%.
Việc giá trị xe nhập về giảm mạnh so với lượng xe nhập do phần lớn ôtô dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam trong năm qua có xuất xứ từ các nước trong khu vực ASEAN, và thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu 0%, thay vì 30% như năm 2017 trước đó.
Cụ thể, về xuất xứ, Thái Lan và Indonesia (cùng thuộc khu vực ASEAN) là hai thị trường cung cấp xe nhập khẩu nguyên chiếc lớn nhất cho Việt Nam năm vừa qua. Trong đó, 55.634 chiếc được nhập từ Thái Lan với trị giá hơn 1 tỷ USD, và 17.146 xe được nhập từ thị trường Indonesia với tổng giá trị hơn 269 triệu USD.
Còn nếu tính riêng phân khúc xe dưới 9 chỗ, hai thị trường này cũng đã cung cấp cho Việt Nam tổng cộng 48.000xe, chiếm gần 90% tổng số xe dưới 9 chỗ nguyên chiếc được nhập về trong năm 2018.
Dàn xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc được hưởng thuế suất 0% năm 2018 vừa qua. Ảnh: Tùng Tin. |
Với việc Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ đầu năm 2018 vừa qua, những xe ôtô dưới 9 chỗ có xuất xứ từ thị trường ASEAN đều được hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Ngoài 2 thị trường lớn nhất thuộc khu vực ASEAN, một số thị trường khác cung cấp xe cho Việt Nam năm 2018 như Nhật Bản với 2.050 chiếc, trị giá hơn 91 triệu USD; Trung Quốc cung cấp 1.565 chiếc, trị giá hơn 47 triệu USD; 895 chiếc từ thị trường Mỹ, trị giá trên 34 triệu USD; hay Hàn Quốc cung cấp 632 chiếc, trị giá 59 triệu USD...
Còn theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2019, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cả nước đã nhập về tới 6.362 xe ôtô nguyên chiếc, trị giá đạt gần 158 triệu USD.
Trong đó, số ôtô dưới 9 chỗ ngồi được nhập về chiếm phần lớn với 4.264 xe, tổng trị giá gần 96 triệu USD. Như vậy, bình quân một chiếc xe dưới 9 chỗ nhập về thời gian qua có giá chỉ khoảng 22.514 USD.
Trước đó, thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam chịu tác động khá nhiều từ Nghị định 116 có hiệu lực từ năm 2018. Nghị định này quy định các loại giấy tờ chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài cung cấp (VTA).
Lãnh đạo một đơn vị phân phối xe của Đức tại Việt Nam cho biết trong 2 quý đầu năm 2018, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi không có các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc phân phối cho khách hàng. Trong khi lượng cầu từ thị trường vẫn rất lớn.
Tình trạng này kéo dài tới hết quý III/2018 và thị trường ôtô nhập khẩu mới chỉ sôi động lại từ cuối năm 2018.
Các chuyên viên bán hàng của các hãng xe nhập khẩu lớn tại Việt Nam như Ford, Lexus, Audi... cũng cho biết trong 3 quý đầu năm 2018, lượng xe nhập về khá nhỏ giọt ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình kinh doanh cũng như thu nhập của họ. Tuy lượng xe nhập về trong những tháng cuối năm 2018 và đầu 2019 đã tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường sau quãng thời gian dài khan hiếm xe nhập khẩu.
Tại Việt Nam, đã có nhiều thương hiệu xe ôtô mở nhà máy lắp ráp ngay trong nước nhưng chủ yếu là xe bình dân. Trong khi đó, phân khúc xe sang, xe bán tải chủ yếu vẫn phải đi nhập khẩu từ các thị trường ngoại. Ngay cả các thương hiệu có nhà máy tại Việt Nam như Toyota, Ford, Mazda hay Mitsubishi... vẫn phải nhập khẩu nguyên chiếc rất nhiều dòng xe khác về chứ chưa thể lắp ráp trong nước.
Hay như trường hợp Mercedes-Benz hiện có nhà máy lắp ráp các dòng xe C/E/S và mẫu SUV GLC tại Việt Nam, còn lại những dòng xe khác đều phải nhập khẩu nguyên chiếc về.