Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe ôm 'đứng đường' ở Sài Gòn chật vật tìm đất sống

Xe ôm truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với các dịch vụ vận chuyển thông minh, cao cấp.... Nhiều bác tài đành chuyển dịch vụ hoặc ra vùng ven tìm khách mới.

Tại TP HCM, các dịch vụ gọi xe thông minh đang được ưa chuộng vì giá rẻ, cách tính tiền chính xác. Thời gian gần đây, số lượng tài xế xe ôm truyền thống đón khách tại các tuyến đường trung tâm ngày càng ít. Nhiều người đã chuyển địa điểm ra vùng ven hoặc tìm công việc khác.

Ông Nguyễn Văn Lư (50 tuổi) ở quận 4, dù đã gắn bó 20 năm với nghề xe ôm, nhưng đến thời điểm này phải đi làm bảo vệ công trình xây dựng. Thường chạy xe ôm ở khu vực cầu Ông Lãnh, quận 1, những tháng gần đây thu nhập của ông Lư chỉ còn gần phân nửa. 

“Lúc trước, mỗi ngày chạy được 5-10 chuyến, nhưng giờ có ngày chạy chưa được 2 chuyến. Thu nhập cả ngày chưa được 100.000 đồng. Khách lại chuộng các dịch vụ đặt xe bằng điện thoại thông minh, cách chạy xe đứng ở các điểm giao thông không còn phù hợp. Lượng khách ngày càng thưa thớt, tôi phải chuyển nghề khác, để có thu nhập ổn định hơn”, ông Lư nói.

Dịch vụ xe ôm du lịch đang được nhiều khách hàng ưa chuộng tại TP HCM. Nhiều tài xe ôm truyền thống chuyển sang đầu quân cho các công ty dịch vụ đưa đón khách du lịch. Ảnh: Zen Nguyễn

Đồng nghiệp của ông Lư, anh Bùi Hữu Thìn, đã chuyển địa điểm từ đường Hoàng Diệu, quận 4, ra chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, để chở hàng thuê.

Anh Thìn cho biết, lượng khách ngày một ít đi nên anh phải đi chở hàng để có thu nhập ổn định. Thời gian còn lại anh chuyển ra vùng ven để kiếm khách.

Còn anh Nguyễn Phương Bình, chủ nhiệm một đội xe ôm tự quản ở quận 1, cho biết, lượng khách hàng ngày giảm rõ rệt. Nhiều anh em trong đội đã chuyển sang dịch vụ xe ôm cao cấp, du lịch, hoặc gia nhập các dịch vụ gọi xe thông minh. Nhiều thành viên chấp nhận chạy luôn các chuyến ngắn 5.000-10.000 đồng để có thu nhập.

Ngược với cảnh ế ẩm của xe ôm kiểu cũ, các dịch vụ xe cao cấp, xe ôm du lịch lại được nhiều khách ưa chuộng. Lợi thế của xe kiểu mới là các bác tài phải ăn mặc lịch sự, sử dụng xe tay ga sang trọng để đón khách. Cước phí phụ thuộc vào loại xe, thời gian đưa đón khách.

Anh Nguyễn Văn Tài, chủ một dịch vụ cho thuê xe ôm “Vip” ở quận Tân Phú, cho biết, dịch vụ ra đời chưa tròn 1 năm, chủ yếu quảng cáo online, nhưng cho đến nay đã có gần 1.000 khách hàng thường xuyên sử dụng cách đưa đón trọn gói với giá 150.000-250.000 đồng một lần, thời gian chờ 2-3 tiếng.

“Sử dụng dịch vụ khách sẽ được đưa đón tận nơi từ đội ngũ lái xe kiêm vệ sĩ để bảo vệ khách đi đến nơi về đến chốn. Dịch vụ này đang được nhiều khách nữ đi tiệc đêm ưa chuộng”, anh Tài nói.

Anh Nguyễn Phước Hải, đang chạy xe ôm bằng vespa cổ cho một công ty du lịch ở quận 1 cho biết, dịch vụ xe ôm du lịch này chủ yếu phục vụ cho khách nước ngoài. Một chuyến đi kéo dài khoảng 4 tiếng, tài xế được trả 100.000 đồng. Mỗi ngày anh chạy được 2-3 chuyến.

Thu nhập ổn định nhưng không ít lần anh Hải phải lao đao với chiếc xe vespa cổ bị hỏng giữa đường.

CEO GrabTaxi Việt Nam: Người 'lên đời' xe ôm

Trước khi đưa GrabTaxi vào Việt Nam, nhóm sáng lập GrabTaxi đã mất khá nhiều thời gian tìm kiếm ứng viên cho vị trí điều hành. Nguyễn Tuấn Anh được tin tưởng giao giữ vị trí này.


Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm