Từ tháng 7/2021 đến nay, trên các ứng dụng đặt xe tại Hà Nội, hình thức chở khách bằng xe máy vẫn chưa được hoạt động trở lại. Trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội - cho rằng hiện nay tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng ngày một tăng cao. Xe ôm công nghệ không đảm bảo giãn cách 5K và các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc. Do đó để hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, loại hình này chưa thể hoạt động trở lại. |
Mặc dù vậy, bóng dáng các xe ôm công nghệ vẫn xuất hiện nhiều ở những nơi dễ "bắt khách", hoặc họ phải tìm đủ cách để duy trì cuộc sống. Nguyễn Minh Hưng (24 tuổi) chạy xe ôm công nghệ được 2 năm. Từ khi ứng dụng bị đóng, Hưng xoay xở đủ nghề. |
Những ngày này, Hưng nhận giao đồ để kiếm thêm thu nhập. Hết quê nhà Bắc Giang bùng dịch lại tới tình hình thành phố diễn biến phức tạp. Vậy là từ Tết, Hưng mới về nhà được một lần. "Thỉnh thoảng người nhà điện lên tôi vẫn nói cuộc sống ổn", Hưng kể. |
"Trước đây tôi cũng ham cày cuốc, đi làm ngày nào có tiền ngày ấy thì thấy thích lắm. Nhưng sau đợt nghỉ dài do dịch, tôi mới thấy chạy xe ôm bấp bênh quá. Chắc tôi sẽ học thêm nghề khác rồi tìm công việc ổn định hơn", anh vừa nói vừa buộc mấy con gà lên yên xe, chuẩn bị mang đi giao. |
Anh Đỉnh - một tài xế xe công ôm công nghệ - cũng chọn đổi sang hoạt động trên các ứng dụng giao đồ ăn để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. "Chở khách quen rồi, chuyển sang giao đồ ăn thì cũng hơi bỡ ngỡ. Mà tôi thích chở khách hơn nên chừng nào ứng dụng mở lại thì quay về làm", chàng trai trẻ nói. Trước khi rời đi, Đỉnh cũng không quên khẳng định thêm: "Vất vả lắm, anh em xe ôm giờ ông nào cũng xoay từng ngày. Chịu khó mà đi làm thôi chứ không tiền đâu ra". |
Trong khi đó, nhiều tài xế vẫn lựa chọn chở khách ngoài ngay cả khi ứng dụng đã khóa. Tại các bến xe những ngày này, người có nhu cầu không khó để gọi xe ôm mặc đồng phục đang chờ đợi ở các cổng, vỉa hè, ngã tư đường. |
Không còn lạ lẫm với cảnh nhiều tài xế công nghệ đứng chờ và vẫy khách tại các bệnh viện, bến xe, ngã tư, nhà ga... Họ sẵn sàng vào tận trong để mời chào và dắt khách ra xe. |
Phạm Biển (24 tuổi) ngồi đợi khách trên vỉa hè của một con phố đông đúc. "Khi nào có khách thì chở họ đi. Không thì lại giao đồ ăn", Biển kể về công việc của mình. Chỉ xem đây là công việc làm thêm trong thời gian rảnh rỗi, Biển cảm thấy mình khá may mắn khi không bị ảnh hưởng quá nhiều. |
17h30 tại ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, một nhóm shipper ngồi nghỉ và chờ đơn hàng cho buổi tối. Trong số đó có những người vốn là xe ôm công nghệ, mới chuyển sang giao đồ ăn được mấy tháng nay. Theo chia sẻ của nhóm shipper, đơn hàng trong một ngày tùy thuộc vào điều phối của tổng đài, có ngày 5-7 đơn, có ngày 2 đơn, không cố định. |