Dịch vụ được nhiều hành khách lựa chọn. Trên đường phố Hà Nội, “xe ôm thân thiện” đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Yên tâm và văn minh hơn
Bắt đầu xuất hiện tại TP.HCM, ngay sau đó loại hình dịch vụ này được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Theo ước tính tại Hà Nội, hiện đã có gần 10 công ty vận tải kinh doanh loại hình dịch vụ mới mẻ này, với khoảng trên 100 đầu phương tiện.
Xe ôm có đồng hồ tự động tính cước như taxi. |
Khi được hỏi về ý tưởng thành lập hãng xe ôm thân thiện, anh Trần Quang Tùng - Trưởng phòng kinh doanh công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Minh (Hà Nội) chia sẻ: “Công việc trước của tôi là trực tổng đài của một hãng taxi và nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của khách hàng trong giờ cao điểm. Đường phố Hà Nội chật hẹp, nhiều ngõ ngách nhưng taxi lại không thể đáp ứng được do khó di chuyển. Vậy tại sao không biến một chiếc xe máy thành taxi với đồng hồ tính tiền tự động nhỉ? Khi được biết TP.HCM đã thí điểm thành công loại hình dịch vụ này, tháng 1/2013, tôi cùng mấy anh em đã thành lập nên công ty chuyên kinh doanh xe ôm thân thiện”.
"Hiện nay, ở một số khu vực, số lượng xe ôm tính cước tự động quá đông, tính sơ qua cũng khoảng 6 - 7 công ty với hơn 100 phương tiện hoạt động. Việc tranh giành khách, bến đỗ khó tránh khỏi. Hầu hết các công ty đang đỗ xe kiểu tự phát, dùng quan hệ cá nhân hay “làm luật” với một số nơi để xin nhờ chỗ đỗ. Rất mong thời gian tới, TP.HCM quan tâm và có sự chỉ đạo quyết liệt hơn về điểm đỗ để tránh tình trạng lộn xộn”, anh Nguyễn Duy Biên, công ty cổ phần thương mại và vận tải Thành Phát cho biết.
“Không chỉ chạy nhỏ lẻ, công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Minh còn đảm nhận hơn 20 hợp đồng đưa đón khách dài hạn, có điểm đỗ cố định tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, các trường học khu vực quận Hoàng Mai… Công ty cũng thực hiện việc đóng bảo hiểm lao động, bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên ký hợp đồng trên 6 tháng”, anh Tùng nói.
Vẫn phải quản chặt
Đang là sinh viên năm cuối của đại học Xây dựng, Chu Đình Phú kết hợp làm thêm tại công ty “xe ôm” Âu Cơ. Gặp Phú đang chờ khách ở cổng Bến xe Mỹ Đình, cậu cho biết: “Bọn em được quán triệt là phải luôn mỉm cười, mời khách lên xe, đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng và giải thích cho khách về các mức phí trước khi xe chạy (dưới 6km đầu giá 6.000 đồng/km; từ km thứ 7 tới km thứ 13 giá 5.000 đồng/km và từ km thứ 13 trở đi còn 4.000 đồng/km). Với cách tính cước rõ ràng như vậy, khách hàng không sợ bị chặt chém và thường chỉ phải trả số tiền bằng 2/3 so với xe ôm thông thường. Trên xe còn trang bị thiết bị GPS, nên nếu lái xe cố tình đi đường vòng thì ngay lập tức tài xế sẽ được bộ phận điều hành cảnh báo”.
Chia sẻ với phóng viên, Vũ Thị Tươi, sinh viên đại học Thương mại cho biết, từ khi biết đến Xe ôm tính tiền tự động, em đã đoạn tuyệt với những xe ôm thông thường, vì dịch vụ này tạo cảm giác yên tâm an toàn và giá lại rẻ hơn một nửa.
Anh Đinh Xuân Hoàng, tài xế của hãng xe ôm Nam Minh tâm sự: “Mỗi lần chạy xe chở bệnh nhân từ xóm chạy thận vào bệnh viện Bạch Mai, thấy các chú, các bác ấy khỏe lên mình vui lắm và thấy công việc thêm nhiều ý nghĩa hơn”.
Hiện nay, xe ôm tính tiền tự động đang phát triển mạnh. Với cách làm bài bản, chuyên nghiệp nên đã tạo được thiện cảm của hành khách, hạn chế được tình trạng chặt chém như những xe ôm hoạt động tự phát. Theo anh Trần Quang Tùng, một tài xế có thể kiếm khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày và một tháng nếu làm đủ ngày, giờ thu nhập dao động từ 6 - 8 triệu đồng. Ngoài thời gian ban ngày, chúng tôi cũng tổ chức các ca làm việc buổi tối nên thu hút được khá nhiều sinh viên có nhu cầu làm thêm. Công ty đang dự định mở rộng quy mô ra toàn thành phố, đồng thời chú trọng hơn đến việc ký hợp đồng về bến bãi với các đơn vị để hoạt động có trật tự hơn”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích cho các lái xe cũng như phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách, các công ty “xe ôm thân thiện” cần sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý, đăng ký nhãn hiệu theo quy định để tránh việc bị nhái hay ăn cắp thương hiệu.