Khi có tín hiệu đèn vàng, người điều khiển môtô, xe gắn máy cần làm gì để không bị CSGT xử phạt?
Khi thấy tín hiệu đèn vàng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Đây là quy định tại Điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải ban hành. |
Những trường hợp vượt đèn vàng nào không bị CSGT xử phạt?
Khi có tín hiệu vàng, phương tiện phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy, xe được đi nhưng phải giảm tốc, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Đây là quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ 2008. |
Mức phạt khi vượt đèn vàng của người điều khiển xe môtô, xe gắn máy là bao nhiêu?
Các loại xe vượt đèn vàng đều bị phạt 300.000-400.000 đồng, căn cứ Điểm c, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 46 dành cho người điều khiển môtô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện. |
Người điều khiển môtô, xe gắn máy có bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe khi vượt đèn vàng không?
Theo Bộ GTVT, vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ đều quy vào lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" nên người điều khiển xe máy có thể bị người có thẩm quyền tạm giữ giấy phép lái xe theo quy định, tại Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. |
Các phương tiện có bị tạm giữ khi vượt đèn vàng?
Trường hợp vượt đèn vàng không gây tai nạn hoặc thiệt hại cho các phương tiện tham gia giao thông, không bị tạm giữ phương tiện, người vi phạm sẽ chỉ bị phạt hành chính, căn cứ Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. |