Chiều ngày 17/2, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Chiếc xe khách 24 chỗ ngồi của nhà xe Thuận Sáng (ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) do tài xế, kiêm chủ xe Nguyễn Văn Thuận (42 tuổi) điều khiển lưu thông từ Vinh về Quỳnh Lưu, đến địa điểm trên bất ngờ phát nổ, lái xe văng ra ngoài, chiếc xe chạy một đoạn rồi đâm vào xe tải đi ngược chiều. Vụ tai nạn làm 2 người chết tại chỗ, 16 người khác bị thương, trong đó có anh Thuận.
Chiếc xe hư hỏng hoàn toàn sau khi vụ nổ xảy ra. |
Sáng 20/2, ba ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế Nguyễn Văn Thuận đã tỉnh lại, nhưng chưa cử động được.
Theo lời anh Thuận, chiếc xe xuất bến từ Vinh lúc 14h chiều ngày 17/2. Trước đó, lúc chạy vào TP. Vinh, một phòng khám tư nhân tại xã Quỳnh Lương có gửi một bình ô xy vào xã Diễn Hồng để nạp khí. Khoảng gần 16h thì xe về đến Diễn Hồng, lơ xe Phạm Đình Nam (hiện điều trị ở Hà Nội) xuống lấy chiếc bình. Xe vừa chạy được khoảng gần 1km thì chiếc bình phát nổ.
“Lúc đó tôi đang lái xe thì nghe một tiếng nổ vang trời, tôi bị hất văng ra khỏi cửa xe, rơi xuống đường rồi ngất đi, khi tỉnh lại thì thấy mình đã nằm trong bệnh viện”, anh Thuận nói. Chị Sáng, vợ anh Thuận cho biết chiếc xe đã qua nhiều chủ. Gia đình chị sở hữu xe này được 6 năm nay.
Tài xế Thuận đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Nghệ An. |
Ông Phạm Đình Nam, lơ xe, hiện cũng đã qua cơn nguy kịch đang được chăm sóc đặc biệt, tích cực điều trị.
Xe khách gặp nạn là xe chạy “chui”
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Nam, trưởng phòng quản lý phương tiện vận tải - người lái, thuộc sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, cũng cho hay, chiếc xe khách gặp nạn đã qua nhiều chủ. “Năm 2008 xe này được một người ở TP. Vinh bán cho Hồ Viết Sự (trú huyện Quỳnh Lưu). Chiếc xe chưa được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu tuyến (cố định hoặc hợp đồng)”, ông Nam nói.
Nhà chức trách khẳng định chiếc xe khách gặp nạn là xe chạy "chui". |
Ông cho biết thêm, về nguyên tắc nếu chưa được cấp phù hiệu mà hoạt động, chở khách thì gọi là “xe dù” hay nói cách khác là hoạt động “chui”. Việc xử lý phương tiện này thuộc về cơ quan chức năng khác chứ không thuộc phòng quản lý phương tiện vận tải - người lái.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương, trưởng bến xe chợ Vinh lại khẳng định: “Xe khách gặp nạn có đăng ký lốt ở bến xe. Xe này đã được cấp phù hiệu tuyến nhưng đã hết hạn từ ngày 31/12/2013. Sau khi hết hạn chúng tôi không cấp lốt cho xe này nữa”.
Thế nhưng sau đó xe vẫn vào bến xe chợ Vinh trả khách và quản lý bến vẫn thu tiền bến bãi. Ông Dương giải thích: “Dù cho vào bến nhưng chúng tôi yêu cầu xe đó không được bắt khách trong bến nên lái xe đã hẹn và đón khách ở ngoài bến”.
Lộ trình xe khách chui này đi từ TP. Vinh đến Quỳnh Lưu, vẫn dễ dàng qua các chốt kiểm tra của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông. |
Sẽ khởi tố vụ nổ bình ô xy trên xe khách?
Nói về nguyên nhân dẫn đến vụ nổ bình ô xy trên chiếc xe làm 2 người chết, 16 người bị thương, cơ quan điều tra cho biết sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu vận chuyển bình ô xy thì phải có xe chuyên dụng, bình dựng đứng và giữ yên, không va chạm với xung quanh.
Một cán bộ điều tra cho biết, qua khám nghiệm thì sau khi đưa lên xe khách, chiếc bình ô xy được đặt nằm ngang trên sàn, phía sau chân ghế tài xế, gần nguồn nhiệt là máy xe nên khi nổ, tài xế bị hất văng ra ngoài.
Một phần của vỏ bình ô xy còn sót lại sau vụ nổ. |
“Có thể ô xy được bơm vào bình quá nhiều so với quy định, vỏ bình quá hạn sử dụng. Khi có lực ma sát giữa vỏ bình và sàn xe cộng thêm nhiệt nóng từ máy của xe bốc lên khiến chiếc bình phát nổ, dẫn tới tai nạn”, vị cán bộ này cho biết.
Về trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra xác định đây là vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên có thể sẽ phải khởi tố hình sự và tài xế kiêm chủ xe là người chịu trách nhiệm. Riêng chủ nhân chiếc bình và người bơm khí ô xy vào bình sẽ vô can.