Cơ quan chuyên môn khẳng định, kỹ thuật xe đảm bảo; tai nạn là do kỹ năng lái xe, doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị xem xét toàn diện an toàn loại xe này.
Liên quan 90% tai nạn
Đây là con số vừa được Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay. Dù chưa có bản thống kê chi tiết, nhưng nhìn lại những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong hơn nửa tháng gần đây cho thấy, sự an toàn của loại phương tiện thực sự đáng lo ngại.
Một vụ TNGT xảy ra với “hàng không mặt đất”. |
Qua theo dõi và phân tích cho thấy, một điểm chung trong các vụ tai nạn đối với loại xe khách này là xe bị lật nghiêng. Điển hình như ngày 21/1/2011, trên Quốc Lộ 1A qua thị trấn Tân Nghĩa - Hàm Tân - Bình Thuận, xe khách giường nằm hiệu Thaco King Long của doanh nghiệp Tùng Cúc bị lật làm chết 2 người, bị thương 10 người. Chiếc xe này tự lật khi đi qua khúc cua trong trời mưa.
Ngày 17/7/2009, tại Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh, xe giường nằm của Hoàng Long gặp trời mưa, đường trơn cũng tự lật mà không va chạm với xe khác. Ngày 27/10/2009 cũng có một xe giường nằm lật tại Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Từ đó, nghi vấn về nguyên nhân tai nạn của loại xe này do có kích thước cồng kềnh, chiều cao lớn đã được đặt ra từ vài năm trước, nhưng đến nay mới trở thành một vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, do xe giường nằm có kích cỡ lớn nên gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông còn yếu kém hiện nay, dễ va quệt với các phương tiện khác. Đặc biệt, ông Hùng cho rằng, xe giường nằm được thiết kế 2 tầng nên trọng tâm của xe không nằm dưới mặt sàn như các loại xe ghế ngồi mà nằm ở giữa xe. Từ đó dẫn tới việc điều khiển loại xe này khó hơn; tình trạng lắc, nghiêng, thậm chí là lật dễ xảy ra hơn các loại xe chở khách khác.
Bùng nổ do thiếu giám sát?
Nói về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định các mẫu xe giường nằm đang lưu hành được tiến hành đủ các bước kiểm tra an toàn theo quy định. Mẫu xe giường nằm hiện nay cũng là loại xe lưu hành tại nhiều nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc công ty Văn Minh (một trong những người mở dịch vụ này đầu tiên ở Việt Nam, chuyên chạy xe giường nằm tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh) cho rằng, xe khách giường nằm khó điều khiển hơn so với các loại xe khách ghế ngồi. Tuy nhiên, các xe này đều được đăng kiểm theo quy định. Có điều, giá thành loại xe này dao động từ 1,5 đến 6 tỷ đồng/chiếc; mức độ an toàn của xe tỷ lệ thuận với giá thành.
Theo ông Văn, nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do trình độ của lái xe và sự giám sát của đơn vị vận tải. “Nếu nhà xe ép lái xe phải tranh giành, bắt nhiều khách buộc họ phải luồn lách, vượt đèn đỏ… để bắt khách; xe thường cũng dễ bị tai nạn chứ không chỉ xe giường nằm”, ông Văn nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô lưu ý có thể, sau nhiều năm xe được sử dụng nhiều, lái xe thuần thục nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan nên mới xảy ra nhiều tai nạn.
Trước những vấn đề chưa rõ ràng như trên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Ủy ban ATGT đã đề nghị với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT nghiên cứu. Trong đó, ủy ban đề nghị xem xét lại sự phù hợp của xe giường nằm với hạ tầng giao thông hiện nay. Ngoài ra, xem xét lại các điều kiện hoạt động như: độ tuổi, tay nghề của tài xế, tốc độ tối đa của loại xe này, thời gian và cung đường của phương tiện… Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu lại hoặc ra quyết định về cách sắp xếp con người và hàng hóa trên xe đúng trọng tâm. Ông Hiệp cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, những vấn đề nêu trên phải được báo cáo trong tháng 11 này.
Xuất hiện từ khoảng năm 2007, xe khách giường nằm đang phát triển mạnh. Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết: Bến xe Mỹ Đình hiện có khoảng 130 xe, bến xe Giáp Bát 50 xe. Bến xe Nước Ngầm, khoảng 30 phút đến 1 giờ có một chuyến xuất bến. Nhiều công ty vận tải tự ví phương tiện này là “hàng không mặt đất”.