Ngày 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái kèm theo hình ảnh một ôtô bị vẽ bậy bằng bút xóa.
Thành viên Linh Tử tế chia sẻ: "Xe của em đỗ ở đường trước số nhà 12, ngõ 124 Hoàng Ngân. Đỗ nơi không có biển cấm dừng cấm đỗ, tổn thất này trên 2 triệu, vợ chồng họa sĩ có bị truy tố tội phá hoại tài sản công dân không ạ?"
Toàn bộ thân xe đỗ chặn cửa ra vào bị vẽ chi chít bằng bút xóa. Ảnh: Otofun. |
Sau khi những bức ảnh kèm theo dòng trạng thái được đăng tải, rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều về hành vi dùng bút xóa vẽ lên xe của nữ gia chủ và việc dừng đỗ vô ý thức của chủ phương tiện.
Bạn Trần Nam Anh cho rằng: "Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy sơn bôi kín mặt kính lái chứ không vẽ bẩn như vậy, đỗ xe không ý thức chút nào". "Buồn cho cả 2 đều vì ý thức mà ra nông nỗi này, trách chủ nhà 1 thì trách bác tài 10. Hậu quả chia đôi cho cả hai bên nâng cao nhận thức", Quốc Anh nêu quan điểm.
Liên quan đến sự việc, trung tá Nguyễn Xuân Vượng, Trưởng công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), cho biết thông tin phản ánh trên mạng xã hội nói trên là có thật. Công an phường cũng đã lập biên bản mời các bên liên quan về trụ sở giải quyết. Tai đây nữ chủ nhà đã xin lỗi chủ phương tiện và nhận khắc phục hậu quả.
Trung tá Vượng cho biết thêm khu vực đó không có biển cấm đỗ, nhưng do ôtô đỗ trước cửa nhà số 12 nên chủ nhà này bực tức và dùng bút xóa vẽ lên xe.
Việc vẽ bậy lên xe có thể khiến chủ phương tiện mất chi phí lớn để tẩy. Ảnh: Otofun. |
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng hành vi của người dùng bút xóa màu trắng tác động lên ôtô đang dừng đỗ ở lòng đường trước cửa nhà là xử sự có phần thái quá do bức xúc.
Hành vi này có dấu hiệu làm hư hỏng tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ.
Nếu việc tác động vẽ sơn lên ôtô này mà gây thiệt hại khi khắc phục, sửa chữa trên 2 triệu đồng thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 143, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999.
Để xác định trị giá tài sản hư hỏng, các cơ quan pháp luật cần phải định giá tài sản hư hỏng khi khắc phục thiệt hại để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, trong vụ việc này phía chủ phương tiện có một phần lỗi khi dừng đỗ ôtô trước cửa nhà (cho dù đường đó có biển cấm hay không cấm đừng đỗ) một cách thiếu ý thức, cản trở sự đi lại của gia đình.
Đây là nguyên nhân gây bức xức và dẫn tới việc làm thiếu kiềm chế của gia chủ.
Vị luật sư cho rằng vụ việc này chưa gây thiệt hại lớn nên hai bên tự thỏa thuận hòa giải, bồi thường, xin lỗi là thỏa đáng.
Đây cũng là bài học cảnh báo cho ứng xử văn hóa giao thông, cũng như mọi hành vi trước khi thực hiện phải suy nghĩ và ứng xử phù hợp với pháp luật.
Đường Hoàng Ngân, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Google Maps. |