Tại TP HCM, Sở GTVT TP cho biết đã điều chỉnh tốc độ xe khi tham gia giao thông trên địa bàn TP qua các biển báo.
Theo ghi nhận vào chiều 1/3, dọc các tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức)... xe cộ chạy nhanh hơn, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Nhiều tài xế cho biết đã nắm quy định mới về việc tăng tốc độ trong khu dân cư.
Ông Ngô Quốc Trường, tài xế lái xe du lịch 50 chỗ ngụ tại quận 10, cho rằng trước đây đường hai chiều không có dải phân cách và đường một chiều có một làn xe chạy chỉ cho phép chạy 40 km/h là quá chậm, nên quy định mới tăng tốc độ lên 50 km/h là hợp lý.
Cường, tài xế xe khách chạy tuyến Bình Phước - Đồng Tháp, cũng cho rằng việc tăng tốc độ trong khu dân cư giúp xe cộ chạy nhanh hơn.
Đại tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cho biết trước ngày thông tư số 91 có hiệu lực, các cơ quan liên quan đã thực hiện xong việc thay đổi các biển báo, hướng dẫn quy định về tốc độ lưu thông của xe cơ giới và xe máy chuyên dùng.
Theo đại tá Trà, căn cứ theo thông tư, tùy tình hình thực tế mà nhiều tuyến đường tốc độ cho phép được nâng lên và cũng có nhiều tuyến đường tốc độ cho phép sẽ giảm xuống.
Theo thông tin từ một số tổ công tác, trong ngày đầu thông tư 91 có hiệu lực, lượng xe lưu thông qua lại nhiều tuyến đường có thay đổi biển báo tốc độ diễn ra bình thường. Ông Trà lưu ý người dân khi tham gia giao thông phải quan sát biển báo để chấp hành theo quy định.
Mặt đường cao tốc TP HCM – Trung Lương bị gồ ghề tại những vị trí có cống thoát nước băng ngang dưới đường. Nếu tài xế không vững tay khi đi qua những đoạn đường này, rất dễ bị lạc tay lái. Trong ảnh, xe đang chạy qua một đoạn đường có cống thoát nước phía dưới. |
Tại Tiền Giang, một cán bộ CSGT Công an TP Mỹ Tho cho biết theo thống kê, tỉ lệ người vi phạm tốc độ trên 50 km/h thấp hơn tỉ lệ người vi phạm tốc độ trên 40 km/h.
Do đó từ khi có quy định nâng tốc độ lưu thông từ 40 km/h lên 50 km/h thì số người vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông giảm hẳn.
Anh Nguyễn Văn Bé Hai, tài xế xe tải đang làm việc cho một công ty lớn ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, cho biết từ ngày Sở GTVT Tiền Giang cho tháo dỡ biển báo 40 km/h trên đường tỉnh 864 đoạn qua Khu công nghiệp Mỹ Tho, cánh tài xế trút được gánh nặng cũng như nỗi ám ảnh phạm lỗi tốc độ vì ít bị xử phạt hơn. Đoạn đường này khá rộng nhưng trước đây chỉ cho phép chạy 40 km/h.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi tại đầu đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh TP Biên Hòa) đoạn thuộc địa phận huyện Trảng Bom (Đồng Nai), biển báo chưa có thông tin về tốc độ xe theo quy định mới cho các loại xe. Theo một số tài xế, đây là tuyến đường có dải phân cách cố định ở giữa, việc chưa có thông tin về tốc độ khiến họ mù mờ trong việc điều chỉnh tốc độ cho phù hợp.
Trên quốc lộ 1 đoạn từ cầu Đồng Nai đến trạm thu phí tại huyện Trảng Bom, chúng tôi cũng không thấy những biển báo hướng dẫn tốc độ cho các loại xe. Các tài xế cho biết họ chưa rõ về thông tin cho phép tăng thêm 10 km/h ở những tuyến đường có dải phân cách cố định nên vẫn chạy với tốc độ như trước.
Ngày 1/3, ngày đầu tiên thực hiện thông tư 91 của Bộ GTVT về quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, nhiều tài xế cho biết quy định mới phù hợp hơn, giúp họ trút được nỗi lo vi phạm tốc độ.
Từ ngày 1/3, ôtô được tăng tốc độ thêm 10 km/h
Theo thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, từ ngày 1/3/2016 các loại xe cơ giới đường bộ được tăng thêm 10 km/h tốc độ xe lưu thông.
Cụ thể, tốc độ tối đa cho xe lưu thông trong khu vực đông dân cư: đối với đường hai chiều (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên được chạy với tốc độ 60 km/h (trước đây quy định 50 km/h). Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới, tốc độ là 50 km/h (trước đây 40 km/h).
Tốc độ tối đa cho xe lưu thông ngoài khu vực đông dân cư: đối với đường hai chiều có dải phân cách ở giữa và đường một chiều có hai làn xe trở lên, các loại xe chạy với tốc độ tối đa 60-90 km/h (tùy theo loại xe, trước đây được chạy 50-80 km/h).
Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới, xe chạy 50-80 km/h (tùy theo loại xe).
Đối với các loại xe máy, kể cả xe máy điện, tốc độ tối đa không quá 40 km/h (giữ nguyên tốc độ trước đây) và xe máy chuyên dùng tốc độ tối đa 40 km/h, tăng 10 km/h so với trước đây.