Làm công việc vận chuyển đồ, hàng trên những chiếc xe Thương Binh đã được 10 năm, một ngày của ông Nguyễn Thanh Sơn (75 tuổi), bắt đầu từ 6 – 7h sáng và thường kết thúc vào 7h tối. Có những hôm muộn nhất thì tầm 11 – 12h đêm mới về tới nhà bởi còn tùy thuộc vào khách.
Khó khăn đủ bề
Xe của ông thường chở đồ cho sinh viên, dọn nhà, chở giường, tủ lạnh, hàng hóa cho các cửa hàng và hầu hết là những đồ gọn nhẹ.
Trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Thanh Sơn đã mất đi đôi chân trong một lần trúng bom khi làm nhiệm vụ chở lương thực từ những năm 1968. Vì là thương binh, không thể bốc vác được nên giá cả vận chuyển ông cũng lấy rẻ hơn.
Kể về công việc của mình ông vui vẻ: “Ngày xưa chở cái xe nhỏ hơn thế này, đời cũ hơn, đi vào chỗ gập ghềnh hay bị đổ. Vào những đường lớn này đông người thì còn có nhiều người giúp đỡ. Còn nếu đi vào đường nhỏ, nông thôn ít người không có ai giúp thì tự mình giúp mình thôi."
Ông Đào Đức Sảng, thương binh quê ở Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày ông chở khoảng 3 – 4 chuyến hàng nhưng không phải hôm nào cũng được như vậy.
Còn ông Nguyễn Tiến Hưng (quê Nam Định) cho biết, công việc chuyển đồ rất thất thường. "Có ngày chỉ ngồi chơi xơi nước, còn có ngày thì làm không hết việc”.
Những người gắn bó với nghề này ít cũng 6 – 7 năm mà lâu hơn thì trên 10 năm nên nguồn khách của họ chủ yếu là khách quen. Ông Hưng bảo, việc giữ chữ tín cũng là điều rất quan trọng.
Ông Hưng nhẩm tính, với loại xe Thương Binh, một lần đổ đầy xăng hết 160.000 đồng, đi được 200 km. Chi phú thu về từ mỗi chuyến hàng phụ thuộc vào quãng đường xa hay gần, nhưng trong 4 phần thu về, thì có 1 phần xăng, còn lại là công của lái xe.
Một thương binh ở Hà Tây bộc bạch: “Chú ốm đau, phải nghỉ nhiều lắm. Một tháng có khi làm được có 10 ngày. Đôi khi có khách gọi nhưng họ cũng đành từ chối vì xa hoặc là do mệt."
"Ngày đi làm, ít thì được 100.000-200.000 đồng, còn thì 300.00-400.000 đồng", ông nói. “Bao giờ cứ còn sức khỏe thì cứ làm thôi”.
Cạnh tranh với người "mượn danh"
Những thương binh như ông Sơn, ông Hưng... đang phải cạnh tranh gay gắt với dịch vụ từ những người mượn danh xe Thương Binh.
Đường phố Hà Nội nhiều ngõ ngách, có những nơi chỉ có xe ba bánh mới có thể vào được nên nhiều người lợi dụng giả danh thương binh làm công việc vận chuyển đồ, trong số đó có cả những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh.
“100 chiếc xe ba gác danh thương binh đi trên đường thì có 20 chiếc là thương binh thật như bác thôi. Trong 80 chiếc còn lại thì đến 50 chiếc là đi với thẻ giả, còn số còn lại thì không có thẻ mà vẫn đi, nếu công an bắt thì sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng", ông Phạm Viết Học mở lòng.
Ông cho biết, đối tượng giả danh cũng rất đa dạng. Không chỉ có người trẻ mà có cả những người già không phải là thương binh cũng đi xe này.
Với các xe giả danh, giá vận chuyển cũng đắt hơn chút, ông Học cho biết. Cụ thể với các chuyến hàng chở thì các loại xe giả danh chặt chém thêm 10.000- 20.000 đồng/lượt. Đó là chưa kể phí bốc vác hàng, công việc mà các xe thương binh thật không làm được vì điều kiện sức khỏe.
Ông Học nói thêm, không những “mượn danh” thương binh, những chiếc xe giả còn có nhiều hành vi cướp khách, ăn nói rất thiếu văn hóa và đi trên đường thì ngang nhiên lạng lách, đánh võng thậm chí vượt đèn đỏ.
“Những thương binh thật như tôi với các anh em của mình làm công việc này, có lúc còn nhường khách cho nhau” ông Học kể.
Ông Học tâm sự thêm rằng: vì đi làm xa quê một tháng trừ hết các khoản tiền ăn uống, nhà cửa thì thu nhập mỗi tháng trung bình của ông dao động từ 5 đến 6 triệu một tháng.
Xuất phát từ tấm gương một thương binh tự chế xe ba bánh, chở hàng kiếm sống và nuôi gia đình từ những năm 90, những chiếc xe ba bánh ngày càng trở nên phổ biến. Chúng trở thành phương tiện giúp những người thương binh có công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình.
Xe Thương Binh trở nên phổ biến cách đây tầm 10 năm, trước đây được gọi là xe chở ba bánh, dần dần xe được cải tiến cho dễ đi và chở được nhiều loại mặt hàng hơn.
Khách hàng của xe Thương Binh chủ yếu là sinh viên hoặc chủ các cửa hàng có nhu cầu vận chuyển đồ hoặc dọn nhà.