Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe dù giả dạng xe công nghệ 'chặt chém' khách ở sân bay Tân Sơn Nhất

Một số người không phải xe ôm công nghệ nhưng vẫn mặc áo, đội mũ bảo hiểm của hãng rồi liên tục chèo kéo khách ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Ghi nhận trong đợt cao điểm Tết Dương lịch (30/12-1/1), trước sân bay Tân Sơn Nhất, hàng chục tài xế mặc đồng phục, đội nón bảo hiểm có in logo của một số hãng xe ôm công nghệ đứng đợi khách. Mỗi khi có hành khách khệ nệ hành lý từ sân bay bước ra, họ đều tới đon đả mời chào.

“Em muốn đi đâu cứ kiểm tra giá trên ứng dụng, rồi trả thêm ít tiền cà phê thì anh chở ngay, không phải đợi. Được thì lên xe đi luôn chứ em đợi chưa chắc xe vào tới đây đâu”, một tài xế mời chào phóng viên.

Xe cong nghe anh 1

Hàng dài xe ôm công nghệ cả thật lẫn giả dừng đỗ trước lối đi của xe máy ở bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nhàn Lê.

Tuy nhiên, khi được hỏi có đang làm việc cho ứng dụng xe công nghệ như trang phục đang mặc hay không, người này từ chối trả lời và liên tục nhấn mạnh đi xe này sẽ không phải chờ đợi.

Trong đợt cao điểm, tài xế xếp hàng tại lối ra vào sân bay, dù nơi đây có đặt biển báo cấm đỗ xe, cấm hàng rong và xe ôm. Tài xế dừng đỗ xe tạo ra cảnh lộn xộn ngay lối vào sân bay, dù lực lượng chức năng liên tục điều phối.

Chị P.N. (24 tuổi) vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM chiều 1/1. Đặt xe trên ứng dụng nhưng do quãng đường di chuyển ngắn, nên tài xế liên tục hủy chuyến. Cô gái này đành ra trước cổng sân bay gọi xe và bất ngờ trước cảnh chèo kéo.

“Cùng một khoảng cách di chuyển, các tài xế này thường lấy thêm 10.000-15.000 đồng, gọi là tiền cà phê. Điều quan trọng là tôi không xác thực được thông tin về tài xế, nên cảm thấy không an tâm. Biết đón xe ôm vất vả thế này, tôi đã gọi taxi", chị N. bày tỏ.

Tại khu vực trên, Công an Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất liên tục phát loa và treo biển cảnh báo hành khách. Theo đó, khu vực trước cổng sân bay thường xuyên có các đối tượng giả làm tài xế công nghệ. Những người này không đưa đón khách bằng ứng dụng qua điện thoại mà mời chào, chèo kéo khách vãng lai hoặc tự tải ứng dụng giả để nâng giá cao hơn bình thường, lừa gạt khách hàng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không sử dụng dịch vụ của các đối tượng trên. Người dân khi sử dụng dịch vụ xe ôm nên kiểm tra kỹ giá cước và tuyến đường cần đi.

Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong những ngày Giáng sinh và Tết Dương lịch vừa qua, sân bay có khoảng 680-740 chuyến bay đi và đến mỗi ngày. Lượng khách trung bình đạt khoảng 110.000-120.000 hành khách/ngày.

Dự báo trong những ngày cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 26/1 đến 24/2/2024), dự kiến mỗi ngày có khoảng 860-900 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất. Lượng khách trung bình đạt khoảng 135.000-140.000 hành khách/ngày.

Đường dây nóng phản ánh thông tin về vi phạm ở sân bay Tân Sơn Nhất

Sở GTVT TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị và hành khách phản ánh qua Cổng thông tin 1022 của TP.HCM (miễn phí) nếu gặp sự cố khi đi lại tại Cảng Tân Sơn Nhất và các tuyến đường lân cận, với 5 phương thức như sau:

1. Gọi điện thoại đến số Tổng đài 1022.

2. Ứng dụng điện tử “Mobile App” Tổng đài 1022.

3. Cổng thông tin điện tử truy cập https://1022.tphcm.gov.vn.

4. Gửi thông tin phản ánh qua thư điện tử (e-mail): 1022@tphcm.gov.vn;5.

5. Mạng xã hội Fanpage truy cập: www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn

https://tienphong.vn/xe-du-gia-dang-xe-cong-nghe-chat-chem-khach-o-san-bay-tan-son-nhat-post1600809.tpo

Nhàn Lê/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm