Xe “dù” đại náo
3h17 chiều 26/10, tuyến đường Phủ Doãn (Hà Nội) như nghẹn lại vì đủ loại phương tiện. Chiếc xe Hyundai dán tem nhãn, lôgô màu đỏ giống y hệt xe cứu thương của các bệnh viện mang biển kiểm soát Hà Nội hú còi cắt qua dòng người chật như nêm để lọt vào bên trong BV Việt Đức.
Sau ít phút đón bệnh nhân trong BV Việt Đức, chiếc xe này lại vòng ra chở bệnh nhân chuyển qua BV Bạch Mai. Tại BV Bạch Mai, dường như đã quá quen thuộc với bảo vệ nên xe phóng thẳng vào khu nhà trong cùng của viện để đưa bệnh nhân xuống.
Đại diện đội xe BV Việt Đức khẳng định, BV Việt Đức không có xe cứu thương nào như trên và đây là xe “dù” thỉnh thoảng vẫn lợi dụng sự mất cảnh giác của bảo vệ BV để vào sân bắt khách!
Theo ghi nhận của PV ngay trong ngày 26/10, đã có tới 6 xe cấp cứu không ghi số giấy phép trên xe, không ghi tên phòng khám hay BV nào ra vào đón khách.
Trong vai người nhà bệnh nhân đi thuê xe, PV Tiền Phong phản ánh có quá nhiều loại xe làm dịch vụ và bày tỏ muốn được sử dụng dịch vụ xe của viện.
Nữ nhân viên điều hành xe cứu thương BV Bạch Mai mỉm cười và lấy con dấu dưới ngăn bàn đóng số màu đỏ 043.8688536 lên một mẩu giấy trắng và dặn “nếu muốn đi xe của viện anh gọi đến số máy này”!
Đại diện BV Việt Đức thừa nhận, khi BV hết xe thì ngay lập tức cò mồi xuất hiện. BV Việt Đức đã thông báo số điện thoại của đội xe và yêu cầu bảo vệ không cho phép xe “dù” vào sân BV bắt khách. Nhưng sự ngăn cản này vẫn chưa triệt để trước tình trạng xe “dù” làm giá bệnh nhân…
Một xe cứu thương “dù”. |
Có dịp chăm người nhà tại BV Việt Đức, chúng tôi chứng kiến tài xế xe “dù” đóng vai người thân bệnh nhân vào tận khu vực gần phòng bệnh để tiếp cận với người cần xe. Mức giá dĩ nhiên chênh lệch cao hơn vài trăm nghìn so với xe của bệnh viện.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), hiện nay, Sở Y tế Hà Nội mới chỉ cấp phép cho Vận chuyển Bắc Việt, Vận chuyển Thủ Đô. Những xe này đều phải đạt tiêu chuẩn của quy định Thông tư 41, phải có nhân viên y tế, trang thiết bị, điều kiện cấp cứu như thuốc, cáng, oxy. Sở đã xử lý 1 trường hợp và đề nghị thu hồi giấy phép do cơ quan y tế tỉnh Bắc Ninh cấp.
“Loạn” giá vận chuyển
Sau khi ghi hình lại hoạt động của chiếc xe cứu thương trên, PV Tiền Phong đã gọi điện đến số điện thoại di động dán trên kính sau của xe này. Một giọng nam cho biết, nếu chở bệnh nhân từ khu vực BV Bạch Mai về trung tâm thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) hết 1,8 triệu đồng, trong đó bao gồm cả 1 y tá và bình oxy đi kèm.
“Xe nếu được cấp phép hoạt động thì đều phải ghi rõ trên xe tên cơ sở, số giấy phép do Sở Y tế cấp. Tất cả các xe hoạt động mà không ghi rõ nội dung trên thì đều là xe dù”.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội)
Nội dung
PV Tiền Phong lấy lý do yêu cầu phải xuất hóa đơn để thanh toán bảo hiểm thì người nghe điện thừa nhận đây là xe tư nhân nên không có hóa đơn đỏ! Gọi đến đội xe BV Việt Đức chúng tôi được biết xe mang biển số trên không phải của viện này.
Gọi đến tổng đài BV Việt Đức, được biết cùng một đoạn đường về Phủ Lý, giá xe cứu thương của BV là 1,5 triệu đồng/chuyến chưa bao gồm y tá đi cùng. Trong khi đó, Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt cho hay giá chuyển bệnh nhân về Phủ Lý là 1,65 triệu đồng, gồm cả y tá đi kèm.
Bệnh viện và nhà xe quan hệ ra sao?
Hiện nay, bên cạnh đội xe cứu thương được cấp, một số bệnh viện đã tự đầu tư thêm đầu xe và liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài để cung cấp dịch vụ vận chuyển. Đại diện một số bệnh viện cho biết, dịch vụ vận chuyển vẫn chưa có quy định quản lý nào từ Bộ Y tế mà vẫn do các bệnh viện “tự biên tự diễn”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc BV Việt Đức cho biết, đội xe cứu thương của viện có 10 chiếc, được đầu tư từ năm 2008. Việc hình thành đội xe này đã góp phần ngăn chặn đội cò mồi xe “dù” hoành hành hàng ngày gây bức xúc trong dư luận.
Cũng theo bà Hường, BV Việt Đức xác định đội xe cứu thương không phải với mục đích chính là kinh doanh mà để phục vụ người bệnh.
“Chúng tôi kêu gọi nhân viên góp cổ phần. Lợi nhuận không nhiều nhưng cũng khác hơn một chút so với gửi tiền ngân hàng”, bà Hường chia sẻ.
Đội xe cứu thương của bệnh viện hiện đáp ứng được 70% nhu cầu vận chuyển, còn 30% do Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt cung cấp.
Với xe thuộc đội xe của BV nếu có thêm y tá đi kèm xe chăm sóc bệnh nhân thì người nhà bệnh nhân sẽ phải trả thêm 250.000 đồng. Giá xe của BV Việt Đức nếu đi 1 chiều là 12.000 đồng/km và nếu đi 2 chiều thì chỉ còn 6.400 đồng/km.
“Giá của bệnh viện thấp hơn giá taxi và cũng thấp hơn giá xe Bắc Việt”, bà Hường cho hay. PV đặt câu hỏi: Bệnh viện được hưởng bao nhiêu từ việc chấp thuận cho Công ty Bắc Việt tham gia vận chuyển? Bà Hường cho biết chỉ là “một chút phí quản lý”.