Xe buýt, xe tải xả khói đen, người dân nướng thịt quạt chả, đun bếp lò, đốt rơm rạ là những yếu tố góp phần gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Trên đường phố, cảnh xe buýt xả khói đen diễn ra khá nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm bầu không khí của thành phố.
Khí thải từ các phương tiện giao thông có thể nói là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Ở các nước phát triển, những loại xe xả khói đen như vậy không được phép lưu thông ngoài đường.
Có những thời điểm cả hai chiếc xe buýt đua nhau vượt cùng xả khói đen xộc vào mặt người đi xe máy.
Ngoài xe buýt còn có xe tải. Người đi xe máy ở các tuyến đường vành đai luôn phải chịu những luồng khói và bụi táp vào mặt, rất hại cho sức khỏe.
Nhiều chiếc xe máy quá cũ hoặc động cơ đang có vấn đề dẫn đến việc xả khói cũng lưu thông nhan nhản trên đường gây nên tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Việt Hùng.
Theo số liệu vào đầu năm 2019, Hà Nội có trên 6,6 triệu ôtô và xe máy được quản lý, xe máy chiếm 86%. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh trong những năm vừa qua gây áp lực lớn lên giao thông đồng thời là nguồn phát thải ô nhiễm chủ yếu ở thành phố.
Ngoài ra phải kể đến chuyện đun nấu của các hộ gia đình và nhà hàng, quán xá. Nhiều nhà vẫn sử dụng bếp than tổ ong nấu nướng hàng ngày để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sử dụng than tổ ong không chỉ xả CO2 mà còn có rất nhiều khí thải khác vào môi trường, trong đó có SO2 gây khó thở, tức ngực, nóng rát cổ họng một số bệnh về hô hấp khác.
Quanh các con phố ở Hà Nội, người đi đường rất dễ hít phải những làn khói cay xè phả vào mặt mũi từ các bếp nướng vỉa hè của nhà hàng, quán ăn.
Những quán nướng thường sử dụng than củi cùng những chiếc quạt thổi giúp duy trì than đỏ hồng. Trong quá trình nướng, mỡ gia vị chảy xuống bếp than gây khói kèm mùi khét nhức mũi.
Trong ảnh là phố Gầm Cầu, một trong những nơi nổi tiếng với các quán nướng vỉa hè.
Phố Đặng Tiến Đông cứ khoảng 16h đến tối là nơi này ngập chìm trong khói của những hàng vịt nướng.
Trẻ nhỏ đi qua phải quay mặt né tránh khói xộc vào mặt.
Khói từ các hàng vịt nướng này còn lan tỏa vào khu dân cư, bay khắp nơi.
Ngoài ra, cảnh đốt rác tự phát của người dân ở nhiều nơi trên phố cũng góp phần vào gây ô nhiễm không khí. Hình ảnh ngay tại dải phân cách đường vành đai 3, đoạn gần bến xe Mỹ Đình. UBND Hà Nội xác định có 12 nguyên nhân chính gây ô nhiễm, đứng số 1 là khí xả từ phương tiện giao thông; tiếp đó là việc đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ nông nghiệp, bụi từ quá trình xây và phá dỡ các công trình, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước...