Mới đây tại một buổi hội thảo giảm ùn tắc giao thông thủ đô Hà Nội, ý tưởng triển khai xe buýt 2 tầng để giảm ùn tắc giao thông được đưa ra. Tuy nhiên các chuyên gia giao thông cho rằng ý tưởng ấy sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn.
Ở TP.HCM, xe buýt 2 tầng đã được HTX vận tải xe buýt Quyết Thắng đầu tư khai thác từ hơn 10 năm nay nhưng toàn TP.HCM chỉ có duy nhất 2 chiếc xe buýt 2 tầng.
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP.HCM), hiện TP.HCM chỉ có 2 chiếc xe buýt 2 tầng do HTX vận tải xe buýt Quyết Thắng đầu tư để khai thác, phục vụ hành khách tuyến số 6 (ĐH Nông lâm TP.HCM - Bến xe Chợ Lớn).
Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó chủ nhiệm HTX xe buýt Quyết Thắng, cho biết 2 chiếc xe buýt 2 tầng được HTX Quyết Thắng đầu tư năm 2005 với giá gần 2 tỷ đồng/ chiếc. Vào thời điểm đó xe buýt loại 45 chỗ ngồi chỉ có giá 900 triệu đồng (có nhà nước trợ giá).
Xe buýt 2 tầng chạy tuyến ĐH Nông lâm TP.HCM - bến xe Chợ Lớn. Ảnh: Báo xây dựng. |
"Thời điểm đó chúng tôi đầu tư xe buýt 2 tầng nhằm nâng cao số lượng hành khách ở thời gian cao điểm, tiết kiệm không gian đô thị giảm ùn tắc giao thông. Xét về kinh tế thì không có hiệu quả nhiều do giá cả đầu tư xe khá cao, lượng khách chỉ đông mỗi dịp giờ cao điểm", bà Thanh nói.
Dù được xem là có ưu điểm chở được nhiều người cùng thời điểm tuy nhiên loại xe này vẫn tồn tại khá nhiều những hạn chế khiến các HTX xe buýt không dám đầu tư.
"Xe buýt 2 tầng to, cao, cồng kềnh khi di chuyển trên các tuyến phố chật hẹp rất dễ vướng dây điện, cây xanh. Loại xe này chỉ chạy ở 1 tuyến đường được thành phố dọn dẹp, phát quang cây xanh, dây điện trước rất bất tiện. Chưa kể mỗi lẫn ùn tắc giao thông loại xe này không thể rẻ vào các tuyến đường khác để đi", bà Thanh chia sẻ.
Chính vì thế mà từ năm 2005 đến nay, chỉ có mỗi 2 chiếc xe của HTX Quyết Thắng khai thác loại xe buýt này. Khi số lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh thì xe buýt 2 tầng không mang nhiều hiệu quả về mặt kinh tế lẫn xã hội.