Để TP HCM nhanh chóng trở thành thành phố đáng sống, tôi thiết nghĩ cần tiến hành đồng bộ ba nhóm giải pháp có vai trò quan trọng như nhau, tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình xây dựng thành phố.
Ở đây tôi chỉ nêu một số đề xuất xung quanh 3 nhóm giải pháp này:
Hạ tầng cho đô thị văn minh
Nhóm giải pháp thứ nhất là xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt hệ thống giao thông công cộng tiên tiến, như là cái nền cơ bản để tạo nên cuộc sống đô thị văn minh.
Điểm nhấn của giải pháp này là TP HCM đã có kế hoạch xây dựng tám tuyến metro với độ phủ rộng khắp, kết nối trung tâm với các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp và đang triển khai.
Đây là giải pháp chiến lược sẽ giải quyết cơ bản bài toán giao thông thành phố vốn nan giải từ mấy chục năm qua.
Công trình xây dựng tuyến metro ngầm tại khu vực xưởng Ba Son, quận Bình Thạnh, TP HCM. |
Chính giải pháp này tạo niềm tin trong tương lai gần chắc chắn sẽ giảm 50% xe máy như dự kiến và tiến đến giảm dần, tạo ra bước ngoặt to lớn để thành phố trở nên văn minh hiện đại.
Tôi nghĩ thành phố cần nhấn mạnh điều này để tạo niềm tin trong nhân dân và đây là niềm tin có cơ sở, bởi lẽ do thiếu thông tin nên rất nhiều người nghĩ chuyện giao thông thuận tiện ở thành phố là nhiệm vụ bất khả thi.
Việc xây dựng hệ thống metro sẽ thúc đẩy nhanh chóng hình thành các khu đô thị vệ tinh với đầy đủ chức năng, trong đó thành phố cần đặc biệt dành quỹ đất và chính sách để xây dựng các khu chung cư là nhà ở xã hội, bảo đảm mọi người đều có nhà, kể cả dân nhập cư muốn tìm cuộc sống mới ở thành phố, và với các khu mới cần hạn chế tối đa việc chia lô xây nhà mặt tiền.
Cùng với việc xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại, phải coi trọng những giá trị Sài Gòn xưa cần bảo tồn, đồng thời nhanh chóng trả lại màu xanh cho các kênh rạch, hình thành thêm nhiều phố đi bộ, xây dựng thêm nhiều công viên, những địa điểm cho ca nhạc đường phố và cho họa sĩ sáng tác ngoài trời.
Ngoài ra, thành phố cần dành quỹ đất để làm các tiểu công viên và sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư ở các phường.
Sớm có Luật đô thị
Nhóm giải pháp thứ hai là bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý đô thị, quản trị môi trường, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng bộ máy công quyền thân thiện, chuyên nghiệp, văn minh để kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật.
Cần sớm có Luật đô thị để quản lý các vấn đề của một đô thị văn minh hiện đại, trong đó cần đưa ra biện pháp chế tài nghiêm khắc các vi phạm khi đã đủ điều kiện vật chất để thi hành.
Bên cạnh Luật đô thị do Quốc hội ban hành, thành phố cần nghiên cứu đề ra các quy định cụ thể để người sống ở thành phố đang hướng tới văn minh hiện đại biết cách sống ở thành phố đó như thế nào.
Do đặc điểm của một đại đô thị như TP HCM, cần thiết thành lập lực lượng cảnh sát đô thị chuyên nghiệp, văn hóa cao, thân thiện và đủ mạnh để kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật đô thị, sao cho tất cả hành vi vi phạm Luật đô thị đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, thật sự đưa luật pháp vào cuộc sống đô thị.
Nâng cao dân trí, ý thức cộng đồng
Đây là nhóm các giải pháp liên quan đến con người. Luật pháp đô thị dù có hoàn chỉnh đến đâu cũng khó lòng bao quát tất cả những gì diễn ra ở đô thị, cơ sở vật chất dù có hiện đại như thế nào cũng không thể lường hết những vấn đề của người dân đô thị, nhất là trong những tình huống khẩn cấp.
Do vậy cần không ngừng nâng cao dân trí, rèn luyện ý thức tự giác, xây dựng thói quen công nghiệp, hướng dẫn kỹ năng sống ở đô thị, nhất là với những cư dân đến từ vùng nông thôn, tỉnh nhỏ và đặc biệt tăng cường ý thức, tinh thần cộng đồng.
Cần xúc tiến biên soạn giáo trình văn minh đô thị phù hợp với đặc điểm của thành phố và đưa vào giảng dạy ở hệ thống trường phổ thông, để hình thành những thế hệ mới thấu hiểu cuộc sống đô thị văn hóa văn minh.