Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây chợ hiện đại: Đúng về chủ trương, sai trong thực hành

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chủ trương xây TTTM là đúng nhưng khi được thực hành lại sai ngay từ khâu thiết kế. Ông Phú nói: "Xây chợ, trước hết phải hỏi ý dân".

- Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của các dự án cải tạo hoặc xây mới chợ truyền thống thành trung tâm thương mại?

- Bài học về vấn đề này thì chúng ta đã thấy rất rõ ở các dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội như TTTM Chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam, Chợ Âm Phủ...

Nếu nói là thất bại thì cũng không hẳn, nhưng rõ ràng hiệu quả rất thấp.

Chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú. Ảnh: ANTV.

- Theo ông, các dự án xây chợ hiện đại kiểu TTTM là do những nguyên nhân nào?

- Thứ nhất, phải nói rằng, hầu hết các dự án hỏng từ khâu thiết kế. Chủ đầu tư đã không chú tâm tới lĩnh vực buôn bán trước đây của nhân dân khi xây dựng chợ.

Địa điểm đặt chợ phần lớn ở những khu đất vàng. Chủ đầu tư chỉ quan tâm tới việc xây được công trình trên diện tích ấy để xã hội hóa đầu tư chợ, cắt ngọn cho thuê văn phòng, dịch vụ, trong khi để mặc bà con tiểu thương tự xoay sở dưới tầng hầm.

Các mặt hàng đồ tươi rau dưa, cá thịt mà lại nhét xuống hầm, không thông khí, không điều hòa, bãi đỗ xe thì nơi có nơi không hoặc địa điểm không thuận lợi. Thiết kế như vậy hoàn toàn không đảm bảo.

Thứ hai, cơ chế vào chợ cũng không đảm bảo. Giá cho thuê sạp hoặc ki ốt do chủ đầu tư quy định từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm là quá lớn, tiểu thương buôn bán cò con sao chịu nổi.

Tầng hầm số 1 của TTTM Chợ Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được bố trí giữ nguyên mô hình chợ dân sinh truyền thống, song do ế khách, các chủ sạp đồng loạt bán lại ki ốt cho chủ đầu tư. Ảnh: Diệp Sa.

Chưa kể, bà con phải chịu quá nhiều loại thuế phí. So sánh với những người buôn bán ở chợ cóc, chợ tạm ngay gần đó lại không mất phí, hoặc nếu có thì chỉ chịu mức thuế phí thấp hơn nhiều. Đây cũng là lý do vì sao nhiều chủ sạp chấp nhận "bán lúa non", quay ra ngồi ở chợ cóc. Hệ lụy là tình trạng lộn xộn càng thêm lộn xộn.

Thứ ba, sau khi xây mới hoặc cải tạo chợ, chủ đầu tư không tập trung vào việc thu hút thêm nhiều hộ kinh doanh bên ngoài vào, mà chỉ chăm chăm với số lượng nhỏ chủ sạp ở chợ cũ. Vô hình chung, chợ mới xây đã không tấp nập hơn mà phải cạnh tranh gay gắt với chợ cóc, chợ tạm quanh khu vực. 

Nhiệm vụ của chính quyền là phải tạo điều kiện cho người mua người bán gặp nhau, nhưng lại không làm được. Xây dựng chợ thì phải hỏi ý kiến nhân dân, tìm hiểu và lắng nghe nguyện vọng của chính người mua, người bán. Chính quyền, doanh nghiệp không làm hoặc làm không tới thì sao thành công được?

Những chợ truyền thống đông khách trên khu đất đẹp, hoạt động rất hiệu quả nay lại đìu hiu. Đến chợ Mơ trước kia khá hơn nhưng bây giờ bà con cũng bảo đìu hiu rồi. Đó là những cái bất cập phải xem lại.

- Thực tế, năm 2012, Sở Công Thương Hà Nội đã thừa nhận sự thất bại của các dự án xây chợ hiện đại trên địa bàn thành phố. Năm 2014, Sở tuyên bố tạm dừng xây mới các TTTM từ chợ truyền thống. Nhưng nhiều dự án lại được khởi động trong năm 2015, gần nhất là dự án xây TTTM Ninh Hiệp. Theo ông thì tại sao?

- Tôi nhắc lại, chủ trương hiện đại hóa là đúng, nhưng thực hành sai nên thất bại. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đã thừa nhận mô hình này thất bại.

Lý do, theo tôi, rất đơn giản, xây chợ thì phải hỏi dân. Còn nếu xây chợ, cải tạo chợ nói là cho dân mà không hỏi dân thì rõ ràng, chỉ là vì phục vụ cho nhóm lợi ích của cá nhân mà thôi.

Trên những mảnh đất vàng, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây thật to đẹp, nhiều tầng để lấy phần ngọn cho thuê văn phòng, dịch vụ. Còn việc quan tâm tới bà con tiểu thương, tới nhu cầu mua sắm của nhân dân đáng ra phải là đầu tiên, là số 1, là 70%, lại không được đề cao.

Bán không bán được, mua không mua được thì chợ đó để làm gì? Bà con mít tinh, biểu tình, phản đối là có lý do cả. Vấn đề này rất nên phải xem lại.

Tiểu thương chợ Thành Công từng tổ chức phản đối xây TTTM. Ảnh: Diệp Sa.

- Vậy theo ông, giải pháp nào để chủ trương đổi mới, hiện đại hóa chợ truyền thống được thực hiện hiệu quả, có lợi cho người dân?

- Về thiết kế, chỉ nên xây chợ 2 tầng thôi, 1 tầng đồ khô, 1 tầng đồ tươi. Giải quyết giao thông tĩnh, thông thoáng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường cho thuận tiện người bán người mua. Quy hoạch bãi đỗ gửi xe thuận lợi với giá cả hợp lý. Gửi cái xe mà mất 5.000 đồng để vào mua gói mì thì ai vào?

Mặt khác, cơ chế vào chợ phải mềm mỏng hơn, giảm bớt thuế phí để tiểu thương dễ làm ăn hơn, giá cả hàng hóa từ đó cũng cạnh tranh hơn. Chợ hoạt động với mô hình tốt, thu hút được cả những chủ sạp chợ cóc, chợ tạm vào thuê ki ốt thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết.

Chúng ta cần nghiêm túc xem xét và rút ra kinh nghiệm từ nhiều bài học thực tế. Chủ đầu tư khi xây chợ phải xác định đúng mục đích, chủ trương, không để nhóm lợi ích chi phối. Khi triển khai dự án, phải công khai minh bạch, trưng cầu ý kiến người dân, phải có đại diện tiểu thương tham gia vào ban quản lý ngay từ đầu. Giải pháp rất đơn giản, cần nhất chỉ là người đứng đầu tử tế.

- Vậy còn những dự án đang hoạt động kém hiệu quả thì sao?

- Những dự án thất bại giờ như đóng khung, đóng băng rất khó giải quyết. Điều chỉnh lại cơ chế, tính toán lại thuế phí chỉ là một chuyện. Xây dự án mà sai ngay từ thiết kế thì biết giải quyết thế nào? Toàn dự án tiền tỷ, anh có sẵn sàng đập bỏ, xây mới vì sai lầm không? Đành để cho chủ dự án cho thuê phần trên còn phần dưới thì kệ thôi chứ làm thế nào bây giờ?

Chúng ta chỉ nên hy vọng những dự án mới sẽ được rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời.

- Cảm ơn ông!

Trung tâm thương mại ế ẩm, vì sao nhà đầu tư vẫn đổ vốn?

Vị trí đắc địa, hàng hóa chất lượng, nhưng các TTTM cao cấp vẫn chung cảnh “chợ chiều”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xây TTTM chưa hẳn là bước đi thiếu suy tính của DN.

Diệp Sa (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm