Phát biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND sáng nay (5/7), ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội đã thông tin thêm về tình hình vay nợ để trả nợ chậm tiến độ gói thầu cầu Nhật Tân.
Theo ông Quyền, gói thầu số 1 cầu Nhật Tân có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Ngoài ra, việc triển khai gói thầu số 3 cũng bị kéo dài, tiến độ bàn giao mặt bằng bị chia làm nhiều lần dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời phát sinh hạng mục di chuyển công trình hạ tầng kĩ thuật, điều chỉnh hướng tuyến dẫn đến gia hạn thời gian hoàn thành, kéo dài 27 tháng so với hợp đồng gốc. Từ đó chi phí xây dựng cầu Nhật Tân đã phát sinh thêm khoảng 157 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân đã đội vốn khoảng 200 tỷ do chậm tiến độ. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết trong quá trình xem xét bổ sung kinh phí cho 2 gói thầu, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, Thủ tướng đồng ý sử dụng nguốn vốn dư của JICA để thanh toán. Chính phủ chỉ đạo Hà Nội chịu trách nhiệm vay lại 50% khoản vốn vay nêu trên theo các điều kiện vay lại theo quy định hiện hành để thanh toán các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.
Theo đó, giá trị vay lại được xác định là hơn 1 tỷ yên, tương đương gần 226 tỷ đồng. Thời hạn trả nợ gốc là 30 năm, lãi suất cho vay lại là 0,2%/năm/dư nợ vay lại. Tổng giá trị trả nợ bao gồm cả gốc và lãi là gần 1,14 tỷ yên, tương đương gần 237 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị vay lại với gói thầu số 1 là hơn 756 triệu yên, tương đương hơn 157 tỷ đồng. Tổng giá trị trả nợ là hơn 164 tỷ đồng. Thời hạn trả nợ gốc vào ngày 20/3 và 20/9 hàng năm, bắt đầu từ ngày 20/3/2023. Giá trị vay lại với gói thầu số 3 là hơn 68 tỷ đồng với thời hạn trả nợ là 30 năm và lãi suất cho vay tương tự như với gói thầu số 1.
Phát biểu tại kỳ họp HĐND, đại diện ban kinh tế ngân sách của HĐND TP. Hà Nội cơ bản đồng ý với việc vay lại vốn ODA trả nợ chậm tiến độ 2 gói thầu cầu Nhật Tân và tuyến đường 2 bên đầu cầu.
Ông Quyền cũng cho biết Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã có ý kiến chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính về khoản vay lại được tính trong mức dư nợ vay hàng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương.
Dự án cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư là 13.626 tỷ đồng, được phê duyệt năm 2006 và đến năm 2009 mới khởi công. Dự án bao gồm cầu Nhật Tân dài khoảng 3,9 km, chiều rộng cầu 33,2m và đường 2 đầu cầu với tổng chiều dài khoảng 4,399 km.
Cầu dây văng lớn nhất Việt Nam chia làm 3 gói thầu chính. Gói thầu số 1 là xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc. Gói thầu số 2 là xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía nam. Gói thầu số 3 là xây dựng đường dẫn phía bắc.
Dự án cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA từ JICA (Nhật Bản) với trị giá 10.118 tỷ đồng cho công tác xây lắp, tư vấn (bao gồm dự phòng và trượt giá, kể cả lãi vay). Còn lại là vốn đối ứng trong nước (3.508 tỷ đồng).
Với vốn đối ứng, ngân sách trung ương là 2.442 tỷ đồng cho quản lý dự án, thuế các chi phí khác và dự phòng. Vốn ngân sách TP. Hà Nội là 1.066 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Tiến độ dự án đã không được đảm bảo và chậm tới 4 năm so với mốc hoàn thành công trình. Trong đó giai đoạn thiết kế chậm 14 tháng và giai đoạn thi công chậm 34 tháng.