Theo số liệu từ hãng tin tài chính Bloomberg, ngày 11/12, trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô về mức 60,94 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Giá dầu thô giảm đã kéo giá xăng ở nhiều nước giảm theo.
Tại Mỹ, giá xăng ở từng bang tuy có chênh lệch nhau chút ít, nhưng lấy giá trung bình toàn quốc, nếu so với giá bán lẻ tháng 7/2014 tương đương với 24.488 đồng/lít, thì giá xăng bán lẻ ngày 11/12 chỉ còn 14.700 đồng/lít.
Trong khi giá xăng tại Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, sau 11 lần giảm giá theo kiểu “nhỏ giọt” (lần giảm giá gần nhất là ngày 6/12, giảm 320 đồng/lít) nhưng giá bán lẻ xăng RON 92 và 95 vẫn còn ở mức 19.930 đồng/lít, cao hơn ở Mỹ tới 5.230 đồng/lít. Vì sao lại có mức chênh lệch “khủng” như vậy.
Ảnh minh họa. |
Đó là vì các mặt hàng xăng, dầu diezen tại Việt Nam đã phải “cõng” rất nhiều loại thuế. Cụ thể, theo thông tin trên báo điện tử Đất Việt, thì hiện mỗi lít xăng phải chịu gần 3.000 đồng thuế nhập khẩu; 1.400 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt; 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường và 1.800 đồng thuế giá trị gia tăng. Tổng cộng là gần 7.200 đồng.
Tức là các loại thuế chiếm tới 35% trong mỗi lít xăng. Tất cả những khoản này, người tiêu dùng đương nhiên là phải chịu. Và từ sau ngày 6/12, thuế nhập khẩu xăng dầu lại tiếp tục được Bộ Tài chính đẩy lên. Thuế nhập khẩu xăng từ 18% thành 27%; dầu DO 0,05S từ 14% thành 23% và dầu hỏa từ 16% thành 26%. Giá dầu thô thế giới giảm nhanh, nhưng xăng dầu ở ta giảm chậm. Dầu thô giảm sâu, thế giới giảm tới 20% giá xăng dầu, nhưng ở ta chỉ giảm 12%.
Giá dầu thô thế giới giảm thì ta tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Những việc làm “ngược đời” đó được một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giải thích rằng: “Điều chỉnh giá xăng bán lẻ trong nước, giá xăng dầu thế giới là một cấu thành. Vì vậy không hẳn giá xăng dầu thế giới giảm bao nhiêu giá xăng dầu Việt Nam giảm bấy nhiêu”.
Lời giải thích trên khiến dư luận ngao ngán. Thời buổi hội nhập toàn cầu, mỗi sự biến động về kinh tế của quốc gia này đều kéo theo sự biến động kinh tế của hàng loạt quốc gia khác. Tại sao việc điều chỉnh giá xăng bán lẻ trong nước và giá xăng dầu thế giới lại là một “cấu thành"? “Cấu thành” nên cái gì, nếu không phải là nên khoản thu được móc từ túi người tiêu dùng? GDP tính theo đầu người của dân Mỹ là 47.000 USD.
GDP của dân Việt chưa đầy 2.000 USD. Dân Mỹ được mua xăng 14.700 đồng/lít, trong khi dân Việt phải mua 19.930 đồng/lít, lại thêm đủ thứ gian lận của chủ các cây xăng.
Ở Mỹ, hạ tầng thuộc hàng tốt nhất thế giới, mức tiêu hao nhiên liệu cho mỗi 100 km đường thấp hơn. Trong khi đường sá của Việt Nam thế nào thì… ai cũng biết. Mức tiêu hao nhiên liệu cho mỗi 100 km đường rất lớn. Ở các nước khác, xăng dầu giảm thì lập tức cước phí vận tải giảm theo.
Còn bên ta, xăng dầu giảm nhưng cước phí vận tải vẫn chết đứng như Từ Hải. Tất cả những thiệt thòi ấy được đổ hết lên đầu người dân. Xăng dầu có giá bao nhiêu, dân cũng phải chấp nhận. Vì cơ bản, ngoài Petrolimex ra, dân chẳng biết mua xăng dầu nơi nào khác. Độc quyền không chỉ vắt kiệt sức dân, mà còn kéo nền kinh tế của đất nước đi ngược lại với xu thế chung của thế giới.