Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng có 4 lần giảm liên tiếp. 13.700 đồng mỗi lít, giá sau khi điều chỉnh từ 15h ngày 18/2, là mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay.
Doanh nghiệp than khó
Đại diện Công ty cổ phần Minh Phương Logistics cho biết, giá xăng dầu giảm giúp hoạt động vận tải tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Đặc biệt, trong tình hình Bộ Giao thông Vận tải siết chặt quản lý tải trọng, công ty sẽ phải điều động, chia nhỏ thành nhiều chuyến xe hơn. Do đó việc xăng dầu giảm đã giúp công ty giảm được chi phí tăng thêm để bù đắp lại cho các chi phí khác.
Đối với các doanh nghiệp, thông thường, khi chi phí đầu vào hạ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa khai thác được lợi thế này.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, xăng dầu giảm giá liên tục trong thời gian qua dẫn đến cước vận chuyển giảm khá. Điều này giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc giảm chi phí xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ước tính với sự giảm giá của xăng dầu trong khoảng 2 tháng gần đây, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp đã giảm khoảng 10%.
"Sau đợt giảm sâu vừa rồi thì chi phí này có thể sẽ giảm thêm vài điểm phần trăm nữa. Đó là cơ sở để điều chỉnh lại giá thành sản phẩm ở mức hợp lý hơn", ông cho hay.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, có quá nhiều chi phí khác liên quan đến vận tải đội lên với tốc độ tương ứng nên
khó có thể kéo giá hàng hóa giảm theo giá xăng. Ảnh: Zen Nguyễn |
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DFB Hanco (Hanco food) lại có nhận định khác. Theo bà Oanh, giá xăng dầu đã giảm đáng kể thoạt nhìn sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất, nhưng những chi phí khác như phí đường bộ, cao tốc, kho bãi lại đội lên với tốc độ tương ứng.
Như vậy giá xăng dầu giảm chỉ đủ bù qua sớt lại cho những chi phí khác phát sinh.
Hơn nữa, việc điều chỉnh giá sản phẩm không đơn giản là làm ngay khi xăng giảm, doanh nghiệp cần đến chiến lược và lộ trình từ 6 tháng đến 1 năm để đánh giá tình hình biến động giá, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Do đó, để đưa ra được giá thành cạnh tranh hơn theo giá dầu, doanh nghiệp phải có chiến lược định giá sản phẩm hợp lý, chứ không hoàn toàn "ngẫu hứng" theo giá xăng.
Cần tách riêng việc giảm giá xăng và dầu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP HCM (HASCON), nguyên nhân của việc giảm giá xăng chính là nhờ sự hỗ trợ từ việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Trong thời gian ngắn, nhiên liệu này đã liên tiếp giảm và xuống tới mức kỷ lục.
Tuy nhiên, khi phân tích xu hướng giảm tác động đến nền kinh tế, cần phải tách riêng hai thành tố là giá xăng và giá dầu. Bởi lẽ, giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực ở thị trường tiêu dùng, sản xuất. Nhưng giá dầu giảm thì lại tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, vì ảnh hưởng trực tiếp các đơn vị liên quan đến sản xuất dầu - bộ phận đóng góp không nhỏ vào tổng thu ngân sách quốc gia.
Cụ thể, xăng giảm giá tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu, giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ xăng dầu. Đặc biệt, giá bán lẻ cũng sẽ giảm, kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước.
"Những biến động này luôn có tác động hai chiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tổng quan hơn nữa thì giá xăng thấp giúp cho chỉ số giá cả, lạm phát, được kiểm soát chắc chắn hơn", ông Phúc cho hay.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng, những tác động tiêu cực khi giá dầu thế giới giảm cũng là một yếu tố đáng lo ngại, nhất là trong thời kỳ mở cửa và hội nhập như hiện nay.
6 tháng đầu năm, những biến động lớn về giá dầu thế giới vẫn còn tiếp tục. Vì vậy, việc dự báo và có những chính sách đối phó là điều cần phải được tính toán kỹ sao cho hài hòa.
"Diễn biến này có lợi cho việc điều chỉnh tỷ giá cân bằng hơn, vì lạm phát dự báo sẽ giảm. Rõ ràng, giá thành và chi phí giảm sẽ kích hoạt được lợi nhuận của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng tiết kiệm được nhiều tiền hơn khi giá xăng giảm. Việc còn lại là cân đối những lợi thế này sao cho hài hòa với nguy cơ thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm”, ông Phúc phân tích.
Dù thế, đây là cơ hội để chúng ta tính đến những khía cạnh khác về tiền tệ, như lãi suất, tỷ giá hối đoái. Ngành được hưởng lợi đầu tiên từ việc giảm giá xăng chính là logistics (kho vận), vì chi phí xăng dầu chiếm phần lớn cơ cấu chi phí giá.
Doanh nghiệp đang tự bao biện?
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng sẽ chẳng có doanh nghiệp nào mất đến 6 tháng tới 1 năm để có thể đánh giá được giá trị sản phẩm của mình bị tác động thế nào khi nguyên liệu đầu vào (xăng, dầu) biến động, đặc biệt với doanh nghiệp vận tải.
Nếu cho rằng doanh nghiệp phải mất thời gian dài như vậy để tính toán được sự tác động thì đó là cách nói tự bao biện cho mình. Theo ông, phí cầu đường, siết chặt quản lý tải trọng... có tác động đến các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào chi tiết từng loại hình kinh doanh vận tải của đơn vị doanh nghiệp đó, từng tuyến đường mà đơn vị đó hoạt động.
Ông Phong cho biết thêm, chỉ có trường hợp những doanh nghiệp sản xuất phải mua vật liệu từ nước ngoài và các đơn hàng đã được chốt giá từ đầu năm hoặc cả năm, khi đó họ mới buộc phải tính toán tác động sau khi hết hợp động mua bán đó.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, trong giá cước vận tải, chi phí nguyên liệu chiếm từ 27% đến 35%. Vì thế, không phải giá xăng cứ giảm 1% là cước vận tải sẽ giảm tương đương. Việc giảm được giá cước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như phí bến bãi, chi phí cầu đường, chi phí quản lý hành chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề hết sức cơ bản là giá xăng dầu giảm thì phải xem xét lại giá cước vận tải lập tức. Bởi có doanh nghiệp vận tải chi phí xăng dầu chiếm tới 37% giá cước, có doanh nghiệp chỉ chiếm 20%.
Chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, diễn biến giá xăng trong năm 2016 sẽ phụ thuộc vào giá xăng của thế giới, ngoài ra còn phụ thuộc vào chính sách tài chính của Việt Nam. Ví dụ như thế giới giá dầu thô giảm rất sâu, nhưng trong cách điều hành của Việt Nam sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.
Nhận định về tác động của việc giảm giá xăng, dầu tới nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng tác động này đến sự phát triển của kinh tế không được lớn như kỳ vọng, dù cả Việt Nam và thế giới đều có những chờ đợi.
Ngoài ra, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi sức ép độc quyền, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn đặc biệt trong ngành vận tải không chịu giảm giá... đã tạo ra một cơ chế chững, cứng về giá. Những diễn biến này khiến cho hiệu ứng cạnh tranh từ giá dầu giảm không tác động nhiều đến nền kinh tế. Tuy nhiên mặt tích cực, giá xăng dầu giảm thấp khiến lạm phát không tăng.
Minh Tú