‘Xăng, điện, gas tăng dồn dập không mâu thuẫn’
Đại diện Vụ thị trường trong nước và Cục điều tiết điện lực (EVN) cùng khẳng định như vậy, tại buổi họp báo định kỳ chiều 6/8 của Bộ Công thương tại Hà Nội.
Thời gian vừa qua, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu như gas, xăng, điện… dồn dập tăng giá được cho là đi ngược lại với chính sách phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo quan điểm của ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, lộ trình tăng giá các mặt hàng thiết yếu đều được đưa ra cẩn trọng. “Về lộ trình, có thể khác, nhưng về quan điểm, phải đi theo chỉ đạo, chính sách chung”, ông Quyền nhấn mạnh. Lãnh đạo này cho biết, tăng giá gas không có gì khó hiểu vì mặt hàng này đã được thị trường hóa sớm.
Với xăng dầu, gần đây, khi cho doanh nghiệp tự đề xuất giá bán lẻ cũng có nghĩa mức độ can thiệp của Nhà nước có giảm đi. Dù vậy, ông Quyền khẳng định, việc tăng giá gas và xăng hoàn toàn không mâu thuẫn với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn của Chính phủ và các bộ ngành khác. “Việc điều chỉnh giá xăng không phải muốn tăng là tăng, giảm là giảm, mà thực hiện theo quy luật thị trường”, ông Quyền chia sẻ.
Đại diện Vụ thị trường trong nước cũng khẳng định, lạm phát âm không phải là “cớ” để tăng giá điện và xăng dầu. “Xăng dầu điều hành theo thị trường và dù doanh nghiệp được trao quyền tự quyết, song Nhà nước vẫn kiểm soát về nguyên tắc chứ không phải muốn tăng thế nào thì tăng, bao nhiêu cũng được”, ông Quyền chia sẻ.
Ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, điện là hàng hóa đặc biệt, là thông số đầu vào cho nhiều ngành kinh tế nên việc điều chỉnh giá sẽ được Chính phủ quản lý chặt. Ông này dẫn lại việc cuối tháng 11/2011, Liên bộ Tài chính - Công thương đã ngồi tính toán và đề xuất giá điện tăng 10% so giá thành tại 2011, nhưng việc tăng đã được cân nhắc. Thực tế, hai lần tăng vào cuối năm 2011 và tháng 7 vừa rồi, mỗi lần mức tăng chỉ là 5%, ông Cường bổ sung. Lãnh đạo này trần tình thêm, ngành điện đã lỗ 10.000 tỷ đồng do giá thành, trên 25.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá và đây là lộ trình thận trọng của ngành điện.
Về lượng than tồn kho cao gây khó khăn cho Tập đoàn Than, khoáng sản (Vinacomin) trong khi Tập đoàn Điện lực (EVN) vẫn đang nợ ngành than một số tiền không nhỏ, lãnh đạo Bộ Công thương chia sẻ, sẽ tìm biện pháp để hai “ông lớn” này giải quyết hài hòa. Ông nói, hai bên cùng đang gặp khó khăn: EVN tồn đọng nhiều, kinh doanh lỗ, giá than cho điện của Vinacomin cũng phải từng bước theo thị trường. Bộ Công thương sẽ tìm hướng để hai bên giải quyết hài hòa, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cũng đã công bố số liệu sản xuất sau 7 tháng. Ông cho biết, một số ngành sản xuất có lượng tồn kho lớn, trong đó có thép và cơ khí điện, điện tử. Dự kiến, trong tháng 8 và tháng 9, tình hình tiêu thụ thép sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Lan Anh
Theo Infonet