Do vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tạo ra cú sốc trên thị trường.
Cần kiểm soát độc quyền
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, diễn biến thị trường giá cả 2013 tiếp tục ổn định vượt ngoài sự mong đợi. Đây là kết quả của sự tiếp tục tăng chậm lại rõ rệt của tổng cầu. Bao gồm cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư, tổng cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành giá một số mặt hàng của nhà nước như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
"Việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường là cần thiết nhưng chuyển sang cơ chế thị trường với các mặt hàng độc quyền không có nghĩa là tăng giá sản phẩm dịch vụ. Nhà nước cần áp dụng các biện pháp kiểm soát độc quyền, độc quyền nhóm, như cấp phép kinh doanh để tăng sức ép cạnh tranh, chia tách doanh nghiệp độc quyền", một chuyên gia kinh tế cho biết.
Diễn biến giá cả năm 2014 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành các mặt hàng như xăng dầu, điện, than... của Nhà nước. |
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời sẽ công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
"Những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu... cần tiếp tục điều hành linh hoạt tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, có sự quản lý của Nhà nước, nhưng tính thị trường sẽ cao hơn. Trong năm 2014, việc điều hành các hàng hóa thiết yếu này phải mạnh hơn, quyết liệt hơn theo cơ chế thị trường, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát, giám sát bằng nghệ thuật và đòn bẩy với tinh thần kiên định", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết.
Kiên quyết điều hành giá xăng theo cơ chế
Tiếp tục bàn về công tác điều hành, quản lý thị trường xăng dầu trong năm 2014, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, giá xăng dầu hiện nay vẫn đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
"Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trực tiếp là sự biến động của giá xăng, dầu thành phẩm. Liên Bộ Tài chính - Công Thương không quyết định giá bán cụ thể của từng doanh nghiệp, mà chỉ tính toán và đưa ra mức tăng giá tối đa, mức giảm tối thiểu", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu vẫn tuân theo Nghị định 84. |
Theo lý giải của ông Tuấn, việc quy định như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý, tiết kiệm chi phí... để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.
Trong năm 2014, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. "Việc điều hành giá có tăng, có giảm tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới, tuy nhiên để bình ổn giá xăng dầu trong nước rất cần chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ Bình ổn giá, trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức của doanh nghiệp trong cơ cấu giá cơ sở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn giá cả thị trường; đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp", đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá năm 2013, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: diễn biến giá thị trường về cơ bản tuân theo các quy luật chung hàng năm. Mức tăng giá cao nhất của năm rơi vào các nhóm thuốc (tăng 18,97%) và dịch vụ y tế (tăng 11,71%).
Đồng thời, giá lương thực giảm trong một số tháng từ tháng 3 đến tháng 7 đã có tác dụng bù trừ sự tăng giá nhóm thực phẩm vào dịp tết 2013 và nhóm ăn uống ngoài gia đình, kết quả là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 5,08% đóng góp 2,3% vào chỉ số giá nói chung.