Nhiều bạn trẻ chấp nhận chi tiền, chịu đau để xóa xăm. Ảnh: Lucas Guimaraes/Pexels. |
Lấy tay chỉnh mái tóc che trước phần vai, Như Như (Cần Thơ) mới thoải mái để bạn chụp ảnh cho mình. Trên vai của cô có một vết sẹo lớn loang lổ, là kết quả của thủ thuật xóa xăm cách đây không lâu.
Cách đây 4 năm, khi 17 tuổi, Như quyết định thực hiện những hình xăm đầu tiên trên cơ thể mình. Đó là dòng chữ "Family" (tiếng Anh) và "M'aimer Pour Qui Je Suis" (tiếng Pháp), tạm dịch là "Gia đình"; "Hãy yêu vì tôi là chính tôi". Ngoài ra, cô cũng xăm hình một đôi cánh thiên thần ở vị trí gần ngực.
Thời điểm đó, Như hài lòng với quyết định gắn bó cùng những hình xăm. Đây đều là hình vẽ được cô lựa chọn kỹ, sau đó thực hiện với một thợ xăm giàu kinh nghiệm tại địa phương. Cô dành 7 triệu đồng xăm hình và nghĩ sẽ không bao giờ xóa bỏ.
Tuy nhiên, hình xăm lại khiến ảnh hưởng tới công việc của Như. Cô làm người mẫu ảnh cho một số cửa hàng quần áo. Việc sở hữu hình xăm ở những vị trí dễ thấy khiến nhiều chủ shop đắn đo khi đề nghị hợp tác với cô.
"Tôi buồn nhất khi gia đình và bạn trai tôi đều không thích, thậm chí có định kiến đối với người có hình xăm. Tôi đắn đo suốt 2 năm rồi mới dám đi xóa", Như tâm sự với Zing.
Tại Việt Nam, ít có số liệu nào về việc xóa xăm, nhưng tại Mỹ, báo cáo được đăng trên Guardian cho thấy 8% những người có hình xăm, khoảng hơn 5 triệu người, hối tiếc về chúng.
Ngành xóa hình xăm cũng trở nên bùng nổ. Những thứ từng là biểu tượng của sự vĩnh cửu đang khiến nhiều người khổ sở tìm cách xóa bỏ. Cũng theo Guardian, giá trị thị trường toàn cầu của ngành này được dự báo đạt gần 800 triệu USD vào năm 2027. Các chuyên gia nói rằng phần lớn các vết mực bị loại bỏ thường có liên quan đến người yêu cũ.
Tốn kém
Cho đến hiện tại, Như đã thực hiện xóa xăm ở 3 nơi khác nhau với tổng cộng 8 lần điều trị. Do tính chất công việc, cô khó sắp xếp lên TP.HCM và chỉ có thể tìm hiểu các cơ sở xóa xăm tại đó thông qua mạng xã hội.
Đăng bài nhờ tư vấn trên các hội nhóm, Như nhận về hàng loạt lời chào mời hấp dẫn. Nhiều spa, thẩm mỹ viện hoặc cơ sở tại gia trực tiếp nhắn tin cho cô với cam kết xóa xăm không đau, không để lại sẹo và chắc chắn sạch mực sau vài lần thực hiện.
Những nơi này đều giới thiệu sẽ thực hiện với công nghệ cao, kỹ thuật tốt cùng nhân viên dày kinh nghiệm. Chỉ sau vài lần điều trị, sắc tố mực xăm trong da sẽ mờ dần.
Tin tưởng lời quảng cáo bắt tai, Như chấp nhận chi tiền, hy vọng hình xăm sớm biến mất.
"Đến nay, tôi đã tốn khoảng 20 triệu đồng cho việc xóa xăm. Làm ở cơ sở nào tôi cũng đều bỏ ngang vì thực hiện rất nhiều lần, đau đớn kéo dài nhưng không thấy hiệu quả", cô lắc đầu nói.
"Lúc xăm thì vui, nhưng xóa xăm thì đau đớn và tốn kém gấp tỷ lần", Như kết luận.
Như thực hiện xóa xăm ở 3 cơ sở khác nhau, mỗi nơi đều phải tiến hành nhiều buổi trị liệu. Đến nay, các hình xăm của cô không mất đi mà để lại sẹo lớn. |
Tương tự, Kim Vy (22 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng dành hơn 19 triệu đồng để thực hiện xóa xăm tại một cơ sở thẩm mỹ mà cô thấy quảng cáo trên mạng xã hội.
Trên vai cô là hình xăm màu nhân vật hoạt hình Stitch cùng 2 dòng chữ. Những hình này ở vị trí khá khó thấy, song Vy vẫn quyết định xóa bỏ vì không còn thích thú.
"Cảm thấy hình xấu, không còn thích nữa, tôi quyết định xóa luôn. Thế nhưng, tôi không dám nghĩ hành trình gian nan đến thế", cô nói.
Có mặt tại cơ sở thẩm mỹ, Kim Vy được kỹ thuật viên tư vấn rằng hình xăm của cô sẽ mờ và hết hẳn sau 5-6 lần thực hiện bắn lazer. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 lần làm thủ thuật đau đớn, hình Stitch của cô vẫn không có sự thay đổi.
Quá chán nản, cô quyết định từ bỏ.
Trong khi đó, Thu Trinh (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng đã thực hiện 8 lần xóa xăm. Hình xăm của cô rộng-dài khoảng 10 cm, nằm ngay ở cổ tay, khắc họa một con cú trên cây với nhiều màu sắc.
Khi xăm hình này, nữ nhân viên văn phòng chỉ tốn 500.000 đồng. Tuy nhiên, khi quyết định loại trừ hình xăm vì tính chất công việc, cô buộc phải chi trả hơn 10 triệu đồng cho một liệu trình xóa xăm trọn gói.
"Nhân viên tại thẩm mỹ viện cũng không dám đảm bảo khi nào mới xóa sạch hình xăm. Họ nói do hình của tôi nhiều màu, kích thước lớn. Đến nay, tôi chỉ biết cố gắng duy trì điều trị đến khi nào hết hẳn thì thôi", Trinh thở dài.
Cứ 3 tuần/lần, khi vết thương cũ bắt đầu lột da, cô sẽ quay lại cơ sở thẩm mỹ để tiếp tục bắn laser. Đến nay, đã hơn nửa năm điều trị, cô vẫn không khi nào dám lỡ hẹn vì đã đóng tiền trọn gói.
Hình xăm cũ (bên trái) và thành quả sau 8 lần xóa xăm (bên phải). Thu Trinh chấp nhận vùng da này sẽ khó thể nào hồi phục như thời điểm ban đầu. |
Rủi ro
Trong lần thứ 8 thực hiện bắn laser xóa xăm, Như Như cảm thấy đau bỏng rát ở ngực, không thể cầm máu. Cô về nhà với vết thương nhiễm trùng nặng, phần vai và ngực đau nhức.
Nhìn vết thương mưng mủ, chảy máu, cô đành phải đến bệnh viện da liễu nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ.
"Lần đó, họ bắn laser với tần số rất cao, vùng da của tôi bắt đầu chảy máu rất nhiều. Việc phải tự chăm sóc vết thương đó tại nhà rất khó khăn. Tình trạng vùng da ngày càng tệ đi, tôi buộc phải vào viện", cô kể lại.
Quá trình điều trị vết thương này tiêu tốn của cô thêm 5 triệu đồng tiền khám và thuốc men suốt nửa tháng sau đó. Cô uống kháng sinh nhiều ngày dẫn đến tình trạng rụng tóc, da mặt nổi mụn. Từ đó, công việc làm mẫu cũng phải gác lại trong một thời gian dài.
Chưa hết, để giữ vết thương không lở loét, để lại sẹo…, Như buộc phải ăn kiêng rất khắt khe. Toàn bộ các món chế biến từ thịt bò, gà, hải sản cô đều không được phép ăn, các món nếp bao gồm xôi, bắp… cũng nằm trong danh sách hạn chế.
"Tôi rất stress, một phần vì sợ để lại sẹo, một phần vì ăn uống kham khổ, kiêng khem quá nhiều khiến tôi sụt cân, đau bao tử và chán ăn", Như nói.
Trong khi đó, với Kim Vy, mỗi lần đến lịch đi xóa xăm là một cực hình.
"Xóa xăm đau gấp nhiều lần so với việc xăm mình. Tôi được ủ tê, tuy nhiên không thấy tác dụng là mấy, nghe rõ mùi khét và khói bốc lên trong phòng điều trị", cô kể.
Sau mỗi lần bắn lazer, phần lưng của Vy sưng lên, nổi chi chít các bọng nước quanh khu vực xóa xăm. Tuy nhiên, cô lại rất khó vệ sinh, quan sát vùng da này và buộc phải nhờ sự trợ giúp từ gia đình.
"Tôi không dám nằm, ăn và tắm. Đó là chuỗi ngày rất ám ảnh", cô lắc đầu khi ai đó đề cập đến chuyện xóa xăm.
Với Kim Vy, việc ăn kiêng theo quy tắc cũng là một khó khăn lớn. Mỗi lần đi xóa xăm, cô phải ăn kiêng 1-2 tuần cho đến khi vết thương bắt đầu đóng vảy rồi bong tróc. Không được ăn uống theo sở thích trong thời gian dài, Kim Vy bị sụt cân, lúc nào cũng trong tình trạng uể oải, thiếu sức sống.
Sau 4 lần bắn lazer, hình xăm của Kim Vy vẫn còn như cũ. |
Xóa xăm không đơn giản
Xóa xăm không phải là thủ thuật hiếm thấy. Nhiều người thực hiện xóa xăm nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, lý do cá nhân hoặc sở thích. Tuy nhiên, việc thực hiện xóa bỏ hình xăm ở những cơ sở không uy tín, hoặc người xóa không kiên trì theo đuổi, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau xóa xăm đến khám và phải đến điều trị tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Quân, việc tạo ra một hình xăm có thể đơn giản, nhưng để xóa hình xăm thì không dễ và mất rất nhiều thời gian, chi phí.
"Xóa xăm không đơn giản chỉ làm mất hình trên da mà phải đảm bảo không để lại sẹo hay ảnh hưởng đến cấu trúc của làn da", ông giải thích.
Một số người có suy nghĩ chủ quan nên tự thực hiện xóa xăm tại nhà mà không biết rằng điều này sẽ gây ra tác hại khôn lường. Họ thường áp dụng các phương pháp như dùng nguyên liệu tự nhiên, các loại thuốc axit có tính tẩy cao, dùng đá mài… Tuy nhiên, mực xăm bám rất chắc vào da, việc tẩy mạnh cũng chỉ làm cho da bị trầy xước, lở loét, thậm chí nhiễm trùng.
Xóa xăm bằng đốt điện hoặc laser CO2 đang được một số người lựa chọn vì giá thành rẻ, dễ tiếp cận, nhưng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng vết thương, sẹo xấu, sẹo co kéo, sẹo lồi, sẹo quá phát…
Những di chứng này có thể tồn tại suốt đời và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ của bệnh nhân, rất khó khắc phục.
Đồng thời, bác sĩ Nguyễn Đình Quân khuyến cáo những người có nhu cầu nên xóa xăm tại các cơ sở uy tín và được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo chuyên môn bài bản.
Đáng chú ý, về mặt nguyên tắc, các spa không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, không được phép sử dụng các máy móc công nghệ để xóa xăm.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.