Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xài bằng giả mà không biết?

Hàng loạt cán bộ không có bằng THPT, thậm chí là bằng THCS nhưng vẫn qua mặt được cơ quan cấp trên để thăng quan tiến chức. Sự thật chỉ được phơi bày sau khi bị người dân tố cáo.

Những ngày qua, cán bộ và người dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau không ngớt bàn tán chuyện 4 quan xã phải nhờ một anh lái tôm “chạy” điểm để đậu tốt nghiệp THPT.

Mất chức vì bị bạn lừa

Sau nhiều lần thi trượt tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, 4 cán bộ xã Tân Phú, huyện Thới Bình đã nhờ người lái tôm tên Dũng “chạy” điểm phúc khảo để được đỗ tốt nghiệp, chi phí “không thành vấn đề”... Một thời gian sau, Dũng mang bằng THPT hệ bổ túc có chữ ký của ông Thái Văn Long, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, giao cho 4 cán bộ này.

Vừa qua, sau Đại hội Đảng bộ xã Tân Phú nhiệm kỳ 2015-2020, 4 cán bộ nói trên đắc cử cấp ủy thì bất ngờ bị tố giác sử dụng bằng bất hợp pháp. Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, phát hiện các ông Phạm Văn Triều (đang chờ chuẩn y chức danh chủ tịch UBND xã), Đinh Văn Thi (phó bí thư Đảng ủy, dự định phân công thường trực công tác Đảng ủy), Lữ Văn Dững (cán bộ lao động - thương binh - xã hội), Nguyễn Văn Kỷ (cán bộ tuyên giáo) đang sử dụng bằng THPT giả.

Huyện ủy Thới Bình đã không chuẩn y chức danh của những cán bộ này. Dường như vẫn chưa phục nên một trong 4 cán bộ đã tự mang văn bằng của mình nhờ cơ quan chuyên môn thẩm định và sau đó mới ê chề chấp nhận bằng của mình đúng là đồ giả.

Ông Sầm Văn Cường sử dụng bằng THPT của người khác để “leo” lên chức Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Ông Sầm Văn Cường sử dụng bằng THPT của người khác để “leo” lên chức Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Một tình huống khó tin không kém đã xảy ra tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào tháng 4/2015, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Vang đã kết luận ông Lê Ngọc Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thượng, dùng bằng tốt nghiệp THPT năm 2014 giả mạo.

Điều đáng nói là năm 2013, ông Kiên từng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và mặt chính quyền do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. UBND xã Phú Thượng đã tạo điều kiện cho ông Kiên đi học 1 năm để thi tốt nghiệp nhưng tấm bằng thứ hai lại vẫn là bằng dỏm.

Ông Kiên thừa nhận, sau khi bị kỷ luật, ông không đi học tại trường nào mà tự mua tài liệu ôn thi. Đến tháng 4/2013, ông gặp một người bạn cũ tại trung tâm luyện thi nên kể về việc mình muốn thi tốt nghiệp. Ông đã đưa cho bạn 3,2 triệu đồng cùng giấy tốt nghiệp THCS, giấy xét tuyển vào trường THPT kèm thêm 2 ảnh để nộp dự thi. 

“Đến ngày thi, người bạn bảo tôi lớn tuổi, đã đi bộ đội nên được xét đặc cách tốt nghiệp mà không cần thi”, ông Kiên kể. Và đến tháng 10/2014, ông Kiên vẫn được nhận bằng tốt nghiệp loại khá. Ông khẳng định đã cùng người bạn đến Sở GD&ĐT lấy bằng.

Bằng tốt nghiệp ghi tên ông Hoàng Văn Công được ông Hoàng Văn Đồng (em rể ông Công) “phù phép” thành bằng của mình.
Bằng tốt nghiệp ghi tên ông Hoàng Văn Công được ông Hoàng Văn Đồng (em rể ông Công) “phù phép” thành bằng của mình.

Bằng giả khắp nơi

Tại các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Nông, Nghệ An..., tình trạng cán bộ xài bằng giả liên tục bị phanh phui, phần lớn đều do người dân tố giác.

Chỉ trong một thời gian ngắn, mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 10 cán bộ xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức mua bằng THPT giả. Nhiều người trong số này giữ chức vụ chủ chốt, như: phó bí thư Đảng ủy xã, phó chủ tịch UBND xã, trưởng công an xã...

"Lúc đó, tôi cũng không biết bằng của mình thật hay giả và cũng không ngờ việc sử dụng bằng giả lại ảnh hưởng xấu đến thế", ông Nguyễn Văn Tám - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tân, một trong 10 cán bộ sử dụng bằng giả - phân bua.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, năm 2014, tỉnh này phát hiện 13 cán bộ ở 7 xã của huyện Thanh Chương không tốt nghiệp THPT nhưng vẫn đang đảm nhiệm chức vụ trưởng, phó các ngành của xã.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã yêu cầu trường CĐ Nông Lâm Thanh Hóa thu hồi, hủy bỏ tấm bằng trung cấp nông lâm chuyên ngành thú y của ông Trương Trọng Giáp (41 tuổi, Phó bí thư Đảng ủy xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) vì chưa có bằng tốt nghiệp THCS. Tương tự, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc), cũng bị người dân phát giác mượn bằng THPT của anh vợ là Hoàng Văn Công, sau đó sửa thành tên mình.

Ông Hoàng Văn Định, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong năm 2014, tất cả các địa phương đều có báo cáo gửi về Sở Nội vụ nhưng không có trường hợp nào sử dụng văn bằng giả được phát hiện. 

“Qua kiểm tra, lỗi thường gặp là sai ngày tháng, năm sinh không khớp với bảo hiểm, hồ sơ quản lý cán bộ. Hiện cán bộ cấp xã đã trẻ hóa gần hết, hồ sơ có “vấn đề” chủ yếu rơi vào cán bộ có tuổi”, ông Định nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc trong năm 2014 và 2015 có rất nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã bị phát hiện gian lận bằng cấp, sử dụng bằng cấp giả, ông Định nói: “Không thấy huyện báo cáo nên sở không biết vì sở không trực tiếp đi kiểm tra, rà soát mà nắm kết quả qua báo cáo của cấp dưới”.

Bi hài trình độ quan xã

Do thiếu trình độ nên không ít quan xã phải mua bằng, chạy chức, gây ra những chuyện dở khóc dở cười và làm khổ dân.

Không thể chấp nhận

Ông Trương Bá Phúc - Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - nhận định việc cán bộ cấp xã chưa có bằng cấp hoặc sử dụng bằng cấp giả không phải là không có nhưng học thế nào thì khai thế đó.

“Ngày trước, cán bộ thiếu bằng cấp rất nhiều, nếu chưa có bằng mà tuổi còn trẻ thì địa phương sẽ tạo điều kiện cho tiếp tục đi học để hoàn thiện bằng cấp. Nhưng nếu không học mà khai có học rồi dùng bằng giả là không thể chấp nhận”, ông Phúc nói.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/xai-bang-gia-ma-khong-biet-20150804101247982.htm

Theo PV/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm