3 giờ sau khi Zing.vn đăng bài: "Xác pháo trải thảm đỏ khu dân cư ở Vĩnh Phúc”, phóng viên đã liên lạc điện thoại với đại tá Phạm Văn Sơn - Phó giám đốc Công an tỉnh trao đổi thông tin, tuy nhiên vị này đề nghị liên lạc với Trưởng phòng tham mưu - Người phát ngôn của công an tỉnh.
Xác pháo như trải thảm trước cửa nhà dân tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc sáng mùng 4 Tết. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Công an tỉnh: 'Chưa nhận phản ánh'
21h30 ngày 11/2, trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, đại tá Nguyễn Kim Thành - Trưởng phòng tham mưu, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến tối mùng 4 Tết ông chưa nhận tin phản ánh hay báo cáo của công an huyện về tình trạng người dân đốt pháo tại Yên Lạc.
Còn lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trước Tết tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng, chính quyền các huyện triển khai biện pháp phòng chống đốt pháo.
"Nếu đâu đó có hiện tượng đốt pháo như báo phản ánh, chúng tôi sẽ cho lực lượng chức năng kiểm tra và trả lời cụ thể", vị này nói.
Xã Tề Lỗ nổi tiếng với nghề "mổ xác" ôtô, xe máy. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Chủ tịch xã: 'Các nơi có đốt pháo'
Trong khi đó, 22h ngày 11/2, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Kim Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc cho biết, từ đêm Giao thừa đến mùng 4 Tết (ngày 11/2), tại xã Tề Lỗ có tình trạng đốt pháo, nhưng đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người dân không đốt mấy.
Tuy nhiên, khi bị chất vấn bằng những hình ảnh đã được đăng tải, ông Hiền thừa nhận "các nơi có đốt, có tiếng pháo". Sự việc đã được xã báo cáo lên huyện, tỉnh từ vài hôm trước và tỉnh đã nắm được thông tin.
Ông Hiền cho biết, đêm giao thừa công an tỉnh bố trí cảnh sát hình sự và nhiều lực lượng khác ứng trực nhưng tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra.
"Người dân đốt pháo ném ra đường nên khó biết là ai để xử lý", ông Chủ tịch xã trần tình.
Trước câu hỏi, tới sáng mùng 4 Tết, trước cổng, trong sân nhiều nhà dân, công ty vẫn còn đầy xác pháo, vỏ pháo chưa được thu dọn sao địa phương không xử lý, ông Hiền cho hay, đang kiểm tra và xử lý.
Riêng trường hợp ngày 11/2 gia đình ông Hoàng Văn Ngọ và bà Tạ Thị Bào mừng thọ đốt pháo ăn mừng, theo ông Hiền, công an xã đã lập biên bản để xử lý.
Cũng trong tối 11/2, Zing.vn đã liên lạc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đều không thể trao đổi cụ thể. Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, sự việc này do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý.
Trước đó, người dân xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, trong đêm Giao thừa Bính Thân pháo nổ râm ran ở xã này và một số địa phương lân cận.
Sáng mùng 4 Tết, xác pháo vẫn trải đỏ trước cửa nhiều nhà dân xã Tề Lỗ. Nhiều vỏ hộp pháo có chữ Trung Quốc được người dân vứt ngay lề đường.
Tề Lỗ nổi tiếng là làng tỷ phú với nghề "mổ xác" ôtô, xe máy, xe tải, xe kéo, máy xúc hạng nặng.
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây tốn kém hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
Nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao công tác ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển tàng trữ và đốt pháo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng đốt pháo trên địa bàn.
Tuy nhiên, Tết Bính Thân 2016, tại một số địa phương như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra và chưa được xử lý triệt để.