Tư lệnh quân đội Colombia Luis Fernando Navarro cho biết các nghi phạm giải ngũ từ năm 2002 đến 2018. Họ trở thành lính đánh thuê với lý do “thuần túy kinh tế”, ông Navarro nói, theo New York Times.
Trong nhóm 13 nghi phạm từng tham gia quân đội Colombia, 2 người thiệt mạng khi giao đấu với lực lượng an ninh Haiti, 11 người bị bắt sống.
Theo quân đội Colombia, một số nghi phạm rời nước này từ tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch ám sát. Họ bay đến Panama, tới Cộng hòa Dominica, rồi vượt qua biên giới trên bộ để tới Haiti.
Nhiều binh sĩ Colombia lựa chọn trở thành lính đánh thuê sau khi giải ngũ. Ảnh: AP. |
Theo ông John Marulanda, lãnh đạo hội cựu chiến binh Colombia, các nghi phạm chưa chắc đã nắm rõ về công việc cụ thể mà họ phải thực hiện.
Nhiều cựu binh trong quân đội Colombia lựa chọn trở thành lính đánh thuê sau khi giải ngũ.
Quốc gia Nam Mỹ này là mảnh đất màu mỡ cho các "nhà tuyển dụng". Với lịch sử gần 60 năm đối phó với lực lượng nổi dậy trong nước, quân đội Colombia được đào tạo bài bản bởi cố vấn từ Mỹ, cũng như có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.
Giới chức Colombia lên án vụ tấn công nhằm vào ông Moise, khẳng định “làm mọi thứ có thể” để giúp chính phủ Haiti tìm kiếm công lý.
Ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Colombia gửi một số quan chức tình báo cấp cao tới Haiti để hỗ trợ điều tra.
Nhóm chuyên gia này bao gồm lãnh đạo lực lượng tình báo quốc gia, tình báo của cảnh sát và quan chức tại văn phòng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại Colombia.
Tướng Jorge Luis Vargas, chỉ huy lực lượng cảnh sát Colombia, cho biết nước này đang điều tra bốn tổ chức bị nghi ngờ tuyển mộ lính đánh thuê cho nước ngoài.