Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xác chết cháy đen trước nơi phe 'Áo đỏ' tập trung

Người ta phát hiện một thi thể cháy đen trên chiếc xe bus 2 tầng trước sân vận động quốc gia Rajamangala ở thủ đô Bangkok vào ngày 1/12.

Cảnh sát ở đồn Hua Mak gần đó cho hay người dân thấy một thi thể ở tầng dưới xe bus, gần nhà vệ sinh trên xe. Bộ phận pháp y đã được gọi đến xác nhận danh tính nạn nhân. 

Chiếc xe được đăng ký ở tỉnh Kamphaeng Phet và cháy vào khoảng 4h chiều 1/12, theo Bangkok Post. Nơi xe cháy là địa điểm mà phe Áo đỏ tập trung để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ.

Chiếc xe bus cháy vào chiều ngày 1/12. Ảnh: Bangkok Post.

Phe Áo đỏ đã dừng biểu tình hôm 1/12 theo lệnh của các lãnh đạo Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD). Đêm 30/11 trước đó, đụng độ xảy ra giữa sinh viên Đại học Ramkhamhaeng với một số người Áo đỏ làm 4 người chết và nhiều người bị thương.

Nhà chức trách chưa biết chiếc xe cháy có phải là phương tiện đã chở phe Áo đỏ đến sân vận động hay không.

Trong khi đó, người biểu tình chống chính phủ hô hào tiếp tục hành động hôm nay, 2/12, với mục đích lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bằng cuộc “đảo chính của nhân dân”. Khoảng 8 trường đại học ở Bangkok đóng cửa hôm nay để đảm bảo an toàn cho sinh viên.

Súng cao su là vũ khí của một số người biểu tình. Ảnh: Bangkok Post.

Thủ tướng Yingluck lúc này vẫn chưa xuất hiện trước công chúng dù thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố đã gặp bà đêm qua.

Trợ lý của bà Yingluck bác bỏ tin thủ tướng đã gói hành lý đi Johannesburg, Nam Phi. Không lâu sau khi một thủ lĩnh biểu tình tên Sathit Wongnongtoey tung tin bà Yingluck đã lên chuyến bay của Thai Airways, hãng hàng không này ra thông cáo phủ nhận.

Bà Yingluck hủy chuyến thăm Singapore hôm 26/11 vì phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội. Tuy nhiên, theo trợ lý của bà, các hoạt động ở nước ngoài của nữ thủ tướng trong tháng 12 vẫn chưa có thay đổi. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy bà Yingluck là vào ngày 30/11 khi bà chủ trì họp báo tại trụ sở cảnh sát hoàng gia Thái Lan. Đến sáng 1/12, bà đến một nơi bí mật khi dòng người biểu tình đổ về đây.

Ngày 25/11: Hàng chục nghìn người đã đổ tới 13 địa điểm tại thành phố Bangkok để tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ. Phe đối lập cáo buộc chính phủ chịu sự điều khiển của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mà quân đội lật đổ bằng một cuộc đảo chính vào năm 2006.

Ngày 29/11: Khoảng 1.500 người đã tràn vào trụ sở của quân đội Thái Lan và 1.000 người bao vây trụ sở của đảng cầm quyền Pheu Thai.

Ngày 30/11: Người ủng hộ và chống chính phủ Thái Lan đụng độ lên bên ngoài sân vận động Rajamangala tại thành phố Bangkok khiến ít nhất hai người chết, 45 người bị thương.

Ngày 1/12: Những người chống chính phủ Thái Lan ném đá, đập phá những xe chở người thuộc phe Áo đỏ trên các đường phố tại thủ đô. Cũng trong ngày này, khoảng 30.000 người biểu tình đã bao vây 8 vị trí trong thành phố Bangkok, bao gồm trụ sở chính phủ, trụ sở cảnh sát quốc gia với quyết tâm kết thúc chiến dịch lật đổ chính phủ. Họ xông vào một số đài truyền hình để phát sóng thông điệp của lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep. Tuy nhiên, người biểu tình không thể chiếm trụ sở chính phủ và trụ sở cảnh sát do cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để chặn họ. 

Ngày 2/12: Bà Yingluck đã dành gần hết cả buổi sáng để họp tại một đồn cảnh sát ở Bangkok, nhưng sau đó phải hủy một buổi phỏng vấn với các phóng viên và được di tản tới một địa điểm không xác định. Theo Wim Rungwattanajinda - thư ký của bà Yingluck, bà phải di tản bởi hơn 100 người biểu tình “đã tìm cách tấn công bà”.

Sau đó, một nguồn tin cho hay vị nữ thủ tướng đã rời Thái Lan ra nước ngoài. Tuy nhiên sau đó chính phủ đã bác bỏ thông tin này.

Trong diễn biến mới nhất, theo BBC, lãnh đạo phe biểu tình đã kêu gọi tổng đình công trong ngày mai.

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm