Một quân nhân mang theo súng trường tấn công đã xả súng tại một căn cứ quân sự và một trung tâm mua sắm ở Thái Lan hôm 8/2, giết chết ít nhất 26 người, làm bị thương 57 người và phát trực tiếp video trên Facebook. Trong số những nạn nhân thiệt mạng, người nhỏ tuổi nhất được xác nhận là một cậu bé 13 tuổi.
Màn đối đầu giữa tay súng và lực lượng an ninh kết thúc vào sáng 9/2 với việc tên này bị các tay súng bắn tỉa tiêu diệt sau hơn 17 giờ kể từ khi tên này giết chết một sĩ quan cấp trên tại căn cứ quân sự, đánh cắp một chiếc Humvee và lái xe đến trung tâm thương mại.
Mối lo ngại về bạo lực súng đạn
Hình ảnh từ camera an ninh tại trung tâm thương mại cho thấy một thanh niên ngụy trang đi qua các cửa hàng với một khẩu súng dài. Người mua sắm bỏ chạy tán loạn, trốn trong nhà bếp của khu ẩm thực và đằng sau quầy tính tiền, nín thở và tắt âm điện thoại.
"Tôi thực sự kinh hãi. Ngay lúc đó, tôi không thể nghĩ gì khác", Kul Kaemthong, nhân viên vệ sinh tại trung tâm thương mại, nói. Chị đã lao vào một căn phòng trong khu ẩm thực ở tầng bốn cùng khoảng 40 người khác và trốn ở đó suốt nhiều giờ.
"Khi chúng tôi nghe thấy tiếng súng, ai nấy đều chạy để giữ tính mạng".
Binh sĩ đưa dân thường rời khởi trung tâm thương mại Terminal 21 ở Korat hôm 9/2. Ảnh: AP. |
Vụ xả súng và cuộc bao vây kết thúc lúc 9h sáng 9/2 đã khiến thành phố Nakhon Ratchasima (gọi tắt là Korat) thuộc tỉnh cùng tên và cả Thái Lan hoảng loạn với tất cả sự hoang mang, lo lắng và tang thương thường thấy trong các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ cũng như các vụ khủng bố trên toàn thế giới.
Không có động cơ rõ ràng, và mạng xã hội một lần nữa được sử dụng để truyền bá hình ảnh đổ máu, Thái Lan đang phải đối mặt với một mối đe dọa toàn cầu đang trỗi dậy: sự kết hợp giữa súng, công nghệ và một kẻ giết người có thể tiếp cận cả hai thứ này với quyết tâm cướp đoạt mạng sống của những người vô tội ở một nơi công cộng từng được coi là an toàn.
Tại Thái Lan, đất nước 69 triệu dân với hơn 10 triệu khẩu súng, chính quyền đã lo ngại về bạo lực súng đạn trong nhiều năm. Nước này là một trong những nước có tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất châu Á, và sự việc ở Korat xảy ra chỉ một tháng sau khi một tay súng giết chết 3 người tại trung tâm mua sắm ở thành phố Lopburi.
Vụ xả súng ở Korat - trung tâm trao đổi nông nghiệp ở khu vực nghèo nhất Thái Lan - đã khiến các quan chức choáng váng; một người nói rằng tay súng đã "nổi điên", tạo ra cảnh tượng kinh hoàng khiến một trung tâm mua sắm 7 tầng bận rộn trở thành một mê cung sợ hãi.
Song bạo lực đã bắt đầu ở nơi cách đó 15 km, tại một căn cứ quân sự, vào khoảng 15h ngày 8/2 (giờ địa phương).
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, trung tướng Kongcheep Tantravanich, cho biết tay súng được xác định là trung sĩ Jakkrapanth Thomma. Anh ta "đã bắn chết sĩ quan cấp trên" tại Căn cứ không quân Suthampitak ở tỉnh Nakhon Ratchasima.
"Anh ta cũng bắn bị thương các sĩ quan quân đội khác", người phát ngôn nói thêm.
Sau đó anh ta đánh cắp một chiếc Humvee, bắn ngẫu nhiên dọc đường đi trước khi tiến vào trung tâm thương mại với một số khẩu súng, bao gồm một khẩu súng trường tự động.
Tay súng phát trực tiếp vụ tấn công trên Facebook
Một trang Facebook được cho là có liên quan đến trung sĩ Thomma có các bình luận và hình ảnh thể hiện sự thù hằn liên quan đến tiền bạc.
"Làm giàu từ việc lừa gạt và lợi dụng người khác", anh ta nói trong một bình luận. "Họ nghĩ rằng họ có thể mang theo tiền để sử dụng dưới địa ngục?".
Trang này cũng có hình ảnh một thanh niên đội mũ bảo hiểm hôm 8/2.
"Giờ tôi cảm thấy mệt mỏi rồi", anh ta nói. "Ngón tay tôi không di chuyển được nữa".
Một tấm hình từ trang Facebook được cho là của tay súng. Ảnh: AFP. |
Facebook cho biết các tài khoản Facebook và Instagram bị nghi ngờ của tay súng đều đã bị xóa.
Mạng xã hội cho biết họ đã xác định được một đoạn video ngắn mà nghi phạm xả súng đã phát trực tiếp trên nền tảng này, nhưng một phát ngôn viên, Sarah Pollack, cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bản thân hành vi bạo lực đã được phát trực tiếp trên Facebook Live.
Công ty cho biết họ vẫn đang điều tra xem video của tay súng đã được phát khi nào, đồng thời cho biết họ sẽ tiến hành ngăn chặn người khác đăng lại video của tay súng, cũng như bất kỳ ai đăng video về hành vi bạo lực này hoặc ủng hộ vụ tấn công.
Phản ứng này cho thấy nỗ lực đối phó với một chiến thuật mà những kẻ tấn công đã sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt khác.
Năm ngoái, một người đàn ông Australia đã phát trực tiếp vụ tấn công của anh ta tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, trên mạng xã hội.
Hai tháng sau, tức vào tháng 5/2019, Facebook tuyên bố sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với những người chia sẻ các video bạo lực: Họ sẽ khóa tài khoản những người này trong 30 ngày nếu vi phạm lần đầu. Nếu vi phạm nhiều lần, họ có thể bị khóa tài khoản lâu dài.
Song một khi được tung ra, video về vụ tấn công ở thành phố Christchurch giết chết 51 người đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Và hôm 8/2, một số video cho thấy nạn nhân và cảnh hỗn loạn trong vụ tấn công của tay súng người Thái có thể được xem trên diễn đàn 4chan.
Người dân hồn nhiên tranh cãi với tay súng
Tại Korat, chiến dịch bắt giữ tay súng và lục soát trung tâm thương mại kéo dài hơn 17 tiếng. Ngay sau lúc 20h, cảnh sát đã tuyên bố tay súng là kẻ bị truy nã và kêu gọi công chúng trình báo về người này.
Trong lúc cuộc bao vây diễn ra, khu vực xung quanh trung tâm thương mại ở Korat bị phong tỏa giữa lo ngại rằng hàng trăm người đang bị mắc kẹt bên trong. Video cho thấy dòng người, nhiều người bế trẻ nhỏ, đi ra từ trung tâm thương mại với sự giúp đỡ của cảnh sát và binh lính.
Một trong những người được sơ tán, Somwang Kwangchaithale, cho biết anh và vợ đang xem phim ở tầng năm của trung tâm thương mại thì đèn đột ngột sáng và loa phát thông báo về tình huống khẩn cấp.
Khoảng 100 người bị dồn vào một căn phòng được khóa và ở trong đó suốt 5 tiếng trước khi một người cứu hộ hộ tống đi xuống cầu thang thoát hiểm, hướng dẫn họ cúi thấp người và giữ im lặng, theo anh Somwang.
Tiếng súng vang lên và mọi người bắt đầu la hét và chạy trốn, vợ anh, chị Viparat Wansaboiy, nói.
"Tôi chưa bao giờ chạy nhanh như vậy trong đời", chị nói. "Tôi có thể nghe thấy tiếng súng nổ và khi tôi quay lại tất cả những gì tôi có thể thấy là bụi bay, mọi người la hét".
Hàng chục nhân viên cứu hộ mặc áo cam đã thiết lập các khu vực khẩ cấp gần trung tâm thương mại, chăm sóc nạn nhân và giúp đỡ những người được giải cứu. Người thân và bạn bè của những người được cho là còn ở bên trong nóng lòng chờ đợi tin tức.
Patcharin Khlairit nói rằng cô đã trao đổi tin nhắn với anh trai mình, người bị mắc kẹt cùng vợ ở tầng hầm của trung tâm thương mại. "Tin nhắn mới nhất tôi nhận được từ anh là một đội đặc công đang giúp họ trốn thoát theo lối cầu thang thoát hiểm", cô nói.
Lực lượng an ninh ẩn nấp sau một chiếc xe cứu thương gần trung tâm thương mại. Ảnh: Reuters. |
Ở Thái Lan, xả súng hàng loạt là chuyện rất hiếm khi xảy ra.
Một ngoại lệ là ở phía nam Thái Lan, đại bản doanh của một nhóm phiến quân Hồi giáo gốc Mã Lai. Một trong các sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử gần đây là việc các tay súng đã giết ít nhất 15 người tại một trạm kiểm soát an ninh ở tỉnh Yala vào tháng 11/2019.
Công chúng có ít kinh nghiệm hơn với những tình huống như vụ xả súng ở Korat. Trong lúc binh sĩ và cảnh sát có vũ trang tìm cách giấu mình và đưa người dân đến nơi an toàn, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy những gì có vẻ như là màn đối đáp giữa một thường dân trong trung tâm thương mại và tay súng.
Không thấy gì nhiều qua video, nhưng hai người đã nói những lời sỉ nhục và tục tĩu với nhau.