Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xả súng Las Vegas: Những người sống sót trong thảm kịch nước Mỹ

Với nhiều người sống sót sau vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas hôm 1/10, những vết thương trên cơ thể rồi sẽ lành nhưng sang chấn tâm lý có thể đi theo họ suốt cuộc đời.

Hedonometer là một công cụ đo lường cảm xúc trên các mạng xã hội dựa vào phân tích bài đăng của người dùng. Reuters cho biết công cụ này thu thập các câu bắt đầu với “Tôi cảm thấy” hoặc “Tôi có cảm giác” và tính “điểm hạnh phúc” trong các đăng tải theo thang từ 1-9.

Theo Hedonometer, chỉ số hạnh phúc trên Twitter trong ngày 2/10, một ngày sau vụ thảm sát nhằm vào lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest ở Las Vegas, là 5,77. Đây là mức thấp nhất kể từ khi công cụ này theo dõi cảm xúc trên Twitter vào năm 2008.

xa sung Las Vegas anh 1
Nỗi đau của những người có mặt tại Las Vegas trong đêm 1/10. Ảnh: Getty.

Trước Las Vegas, kỷ lục “đau buồn” trên Twitter là 5,84, cũng là sau một tội ác xả súng thảm khốc. Đó là vụ tấn công quán bar người đồng tính Pulse ở Orlando, Florida, làm 49 người chết và hơn 50 người bị thương hồi năm ngoái. “Ngày bất hạnh” thứ 3 của nước Mỹ trên Twitter là ngày 9/11/2016 (5,87), sau khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, đối với một số người, những gì mà họ phải trải qua trong đêm 1/10, khi đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, không phải là thứ có thể đo lường được.

Địa ngục cách một tầng gác

Ralph Rodriguez có một mối "nghiệt duyên" với vụ xả súng tại Las Vegas mà sẽ không mấy ai mong muốn. Không chỉ là một trong số những người thoát chết trong gang tấc trong vụ xả súng đẫm máu nhất của lịch sử hiện đại Mỹ, anh thuê căn phòng khách sạn ở ngay trên phòng của thủ phạm Stephen Paddock.

Trả lời AFP, tư vấn viên IT đến từ Pomona Valley, gần Los Angeles này cho biết anh đến Las Vegas để nghỉ cuối tuần và quyết định đi xem buổi biểu diễn của ngôi sao nhạc đồng quê Jason Aldean.

“Sau khoảng 2-3 bài hát, chúng tôi nghe thấy tiếng nổ phía bên phải sân khấu. Ban đầu mọi người nghĩ đó là pháo hoa nhưng sau đó người ta bắt đầu gào thét, xô đẩy nhau để chạy”, Rodriguez nói.

“Những gì diễn ra thật kinh khủng, nhưng những người ở đó đều cố hết sức để giúp đỡ nhau. Tôi thấy người ta ôm lấy những đứa bé không phải con mình, đẩy xe lăn giúp người xa lạ. Chúng tôi đều muốn đưa nhau thoát khỏi cơn ác mộng”.

Rodriguez cùng một số người khác tìm được lối thoát duy nhất là trèo qua một hàng rào cao 3m. Họ thoát thân nhờ sử dụng một dải phân cách làm thang để vượt rào và sau đó chạy vào bãi đỗ xe của khách sạn Tropicana gần đó.

xa sung Las Vegas anh 2
Ralph Rodriguez bên trong căn phòng nằm ngay trên phòng của Paddock, nhìn ra địa điểm tổ chức nhạc hội. Ảnh: Guardian.

Nhưng đối với Rodriguez, cơn ác mộng vẫn chưa thực sự kết thúc. Sau khi quay về khách sạn, anh phát hiện “địa ngục” mà anh vừa trải qua bắt nguồn từ chính căn phòng dưới chân mình. “Stephen Paddock ở phòng 134 tầng 32 và tôi ở phòng 134 tầng 33”, Rodriguez cho biết.

Có thể dễ dàng nhận ra căn phòng chết chóc từ bên ngoài khách sạn Mandalay Bay nhờ vào khung cửa sổ mất kính mà Paddock đã đập vỡ để ngắm bắn đám đông tại nhạc hội.

Với Rodriguez, việc trở lại căn phòng chỉ cách kẻ sát nhân điên loạn một tầng gác là một cảm giác không thể diễn tả thành lời. “Mỗi khi gió mạnh, rèm cửa căn phòng bên dưới sẽ tung lên và đập vào kính cửa phòng tôi. Thật khiến người ta rùng mình”, Rodriguez kể.

Vụ xả súng ở Las Vegas diễn ra như thế nào? Stephen Paddock đã xả súng từ phòng suite trên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay xuống đám đông dự lễ hội âm nhạc vào lúc 22h08 trong khoảng 5 đến 15 phút.

'Tôi không thể để anh ấy lại một mình'

Heather Gooze là một nhân viên phục vụ bar ở Las Vegas. Cô không quen biết Jordan McIldoon, một thợ cơ khí 23 tuổi đến từ British Columbia, Canada, nhưng đã nắm tay và ở bên cạnh anh suốt nhiều giờ trong làn đạn. Họ ở bên nhau khi anh đấu tranh giữa sự sống và cái chết.

“Nếu tôi ở trong trường hợp tương tự, tôi sẽ hy vọng có ai đó ở bên cạnh mình”, Gooze, 43 tuổi, trả lời kênh truyền hình CBS. “Tôi sẽ không muốn phải cô độc trong giờ phút như vậy. Thế nên, tôi đã không thể bỏ anh ấy lại một mình.”

Gooze cho biết cô đang làm việc ở khu vực quầy bar của nhạc hội Route 91 Harvest khi hỗn loạn nổ ra. Hàng trăm người đổ vào khu quầy bar vốn nằm gần cổng ra. Gooze nhìn thấy 2 người đàn ông bị thương và giúp chăm sóc họ.

Một người trong đó là McIldoon, anh bị trúng đạn vào bụng và bị tách khỏi bạn gái Amber Bereza trong đám đông hỗn loạn. “Có một lúc anh ấy nắm chặt tay tôi. Sau đó anh ấy không qua khỏi”, Gooze kể lại.

Gooze liên lạc điện thoại với bạn gái của McIldoon, người đang lánh nạn tại khách sạn Tropicana. “Cô ấy nói ‘Hãy nói thật với tôi’ và tôi trả lời ‘Anh ấy mất rồi”, Gooze nhớ lại.

xa sung Las Vegas anh 3
Heather Gooze không ngăn nổi nước mắt khi kể lại câu chuyện của mình. Ảnh: CNN.

Gooze hứa với Bereza sẽ ở bên cạnh McIldoon và cô cũng lặp lại lời hứa ấy với mẹ của anh khi liên lạc được với bà qua điện thoại. Gooze giữ lời hứa và đã không rời McIldoon trong suốt 4 giờ đồng hồ.

Ngày 3/10, Facebook của Gooze nhận được hàng loạt lời nhắn từ những người biết về nghĩa cử của cô.

“Cám ơn vì đã xoa dịu anh ấy, gia đình và bạn bè anh ấy cũng như những người xa lạ như tôi biết ơn rằng anh ấy đã không phải cô độc một mình”, là lời nhắn gửi của Jennifer Macpherson-Gresmak sống ở British Columbia, Canada.

“Là một người Canada, tôi muốn cám ơn cô vì đã ở bên cạnh Jordan. Đó là hành động cao đẹp nhất mà một người có thể làm trong giờ phút như vậy”, Megan Nicole Hill ở Ontario, Canada viết.

'Chưa sẵn sàng để chết'

Natalie Vanderstay, 43 tuổi, là 1 trong hơn 500 người bị thương trong “đêm kinh hoàng” Las Vegas. Trả lời phỏng vấn AP ngay trên giường bệnh, nữ y tá đến từ Los Angeles cho biết sự kiện ngày 1/10 đã “thay đổi mãi mãi cuộc đời cô”.

“Khắp nơi đều là tiếng la hét, càng lúc càng trở nên điên cuồng”, cô kể lại. “Tôi cảm thấy bụng mình có một lực va vào và sau đó biết rằng mình đã trúng đạn”. Cô còn nhớ đã dùng áo sơ mi để tự băng bó sơ cứu cho vết rạch sâu ở chân.

Để sống sót, Vanderstay, mang theo 2 vết thương lớn ở bụng và chân, ép mình chạy băng qua làn đạn và sau đó leo qua hàng rào để thoát khỏi khu vực nhạc hội. Sau đó cô ẩn nấp với một nhóm người không quen biết. Họ cùng chờ cơn mưa đạn kết thúc.

xa sung Las Vegas anh 4
Vụ xả súng Las Vegas sẽ là nỗi ám ảnh cả đời của Natalie Vanderstay. Ảnh: Washington Post.

Sau khi yên tĩnh trở lại, Vanderstay thấy một chiếc taxi đang chở 3 người bên trong. Cô nói với họ cô bị trúng đạn. Họ để cô lên xe, giúp cô cầm máu và đưa cô tới bệnh viện.

Vanderstay phải phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết và ruột non. Có nhiều vết thương sẽ phải mất nhiều tuần mới có thể lành, chưa kể đến những tổn thương về mặt tâm lý.

“Tôi thấy người chết, rất nhiều người chết và cả những người đang thoi thóp, và tôi không thể giúp ai cả”, cô nhớ lại. Vanderstay kể rằng cô đã giẫm lên người khác trong khi tìm cách thoát thân, điều có thể sẽ ám ảnh cô cho tới cuối đời.

“Giờ phút ấy tôi chỉ biết rằng mình không thể ở lại đây. Tôi biết tôi không muốn chết. Tôi chưa sẵn sàng để chết ở đây.”

Tiếng súng máy bắn liên hồi trong vụ xả súng ở Las Vegas Video hiện trường vụ xả súng tại Las Vegas cho thấy tiếng súng máy bắn ra liên tục giữa buổi diễn ca nhạc trong khi người đi nghe nhạc nháo nhào tìm chỗ trốn hoặc nằm xuống đất.

Mua súng như đi chợ và những bi kịch đẫm máu ở Mỹ

Việc sát thủ Las Vegas Stephen Paddock có trong tay kho vũ khí lớn không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Ở Mỹ, việc mua bán “hàng nóng” diễn ra khá dễ dàng.

Xả súng Las Vegas: Những lá chắn sống trong cơn mưa đạn

Giữa lúc nơi tổ chức đêm nhạc ở Las Vegas biến thành tử địa dưới màn mưa đạn, có những anh hùng đã lấy thân mình để bảo vệ mạng sống người thân, bạn bè, thậm chí người lạ.

Trần Minh

Bạn có thể quan tâm