Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xã hội vô cảm Amsterdam 1686 và chúng ta bây giờ

Tác phẩm đầu tay “Nhà tiểu hoạ" của Jessie Burton đã khắc hoạ xã hội Hà Lan thế kỷ 17 nghiệt ngã và nhẫn tâm, nhưng cũng chính là phản ánh xã hội đương thời với nhiều mảng xám.

Johannes Brandt bị tống vào xà lim Stadhuis. Dân chúng Amsterdam choáng váng. Thương gia tài năng bậc nhất thủ đô sắp bị xử tử vì tội kê dâm.

Kẻ ngoài nghi, người thương tiếc, nhưng lũ đê tiện đứng sau vẫn quyết tâm dồn Johannes đến đường cùng. Hoặc khai nhận tội, hoặc bị tra tấn đến “xương thò cả ra [...] chân không còn là chân, tứ chi như bông gòn sũng nước, ruột gan như thịt thối.”

Với Nhà tiểu hoạ, Jessie Burton lật tẩy bộ mặt vô nhân tính của bộ máy pháp luật Amsterdam thế kỷ 17. Thành phố sầm uất và văn minh từng là miền đất hứa của những kẻ nghèo đói ở Assendelft, nay mềm nhũn dưới ánh mắt tàn độc của hận thù và xảo trá.

Sach Nha tieu hoa anh 1
Tác phẩm Nhà tiểu họa của Jessie Burton.

Johannes quyết không đầu hàng trong tù. Phòng xét xử mở phiên toà giữa bàn dân thiên hạ, với mục đích “tiếp tục ép cung thông qua việc làm nhục bằng lời nói - một hình thức tra tấn dã man khác.” Người ta “rì rầm hả hê" khi chánh án Slabbaert hùng hổ bêu riếu tội lỗi ngang tàn và chống lại Chúa của ngài Brandt, “kích động khoái trá" khi những cụm từ cấm kỵ được văng ra để thoá mạ Johannes.

Jessie Burton đã xây dựng hình tượng thương gia Johannes Brandt như một anh hùng, với tính cách khảng khái sẵn sàng đối đáp với chánh án và đương đầu với những kẻ muốn chống lại ông, nhưng cũng đồng thời khéo léo đặt nhân vật vào bối cảnh xã hội với hiện thực tàn khốc. Xã hội ấy chính là vợ chồng Meermans vì tư thù cá nhân đã đệ đơn tố cáo Johannes, là Jack Phillips tinh ranh lõi đời đã lừa gạt dàn cảnh, và còn là chánh án Slabbaert với thứ công lý chèn ép bức tử con người.

Và hơn hết thảy, xã hội ấy là đám đông chỉ biết đứng ngoài chỉ trỏ hùa theo. Họ đến xem phiên toà như xem một bộ phim kịch tính, một trò giải trí không thể đoán định kết cục. Người oang oang bình phẩm rằng đó là một tội lỗi kinh tởm, kẻ thì thầm tiếc rẻ một vị thương nhân giỏi của thành phố.

Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Bất chấp những đóng góp của Johannes cho Amsterdam, bất chấp cả những cưu mang và lương thiện, toà vẫn ra lệnh hành quyết “bằng hình thức cột đá vào cổ và nhấn chìm dưới biển.”

Giải tán. Đám đông tản mát dần. Ở Amsterdam, án tử hình của Johannes sẽ là một câu chuyện phiếm người ta dấm dúi với nhau ngoài chợ, và là lời cảnh tỉnh những ai dám chống lại chính quyền tối thượng. Nhưng trên hết, cái chết của ngài Brandt trong Nhà tiểu hoạ chính là cái tát thẳng của Jessie Burton vào xã hội vô nhân tính, sẵn sàng chà đạp lên một thân phận lẻ loi vì tư thù tư lợi.

Viết về Hà Lan cuối thế kỷ 17, nhưng Nhà tiểu hoạ vẫn xuất sắc chiếm được trái tim độc giả khắp thế giới khi được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng với hàng triệu bản doanh thu. Có lẽ, chúng ta đã soi thấy chính thời đại mình trong bức tranh xã hội Amsterdam bốn trăm năm trước: một xã hội vô cảm.

Những cuốn tiểu thuyết ăn khách dựa trên câu chuyện có thật

Chính nhờ những câu chuyện ly kỳ, thú vị xoay quanh các nhân vật này đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn sáng tác nên những cuốn sách làm say mê hàng triệu độc giả trên thế giới.


Hà Trang

Bạn có thể quan tâm