Đến ngày 30/3, đã 4 ngày đêm kể từ khi cơn lũ bất ngờ ập về nhưng cánh đồng lúa ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ngập nước.
Theo ông Hoàng Vọng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, hiện chưa thể thống kê được thiệt hại về lúa do huyện đang tập trung cứu 232 ha lúa bằng biện pháp tập trung bơm tiêu úng. Trong đó, 213 ha có khả năng cứu được nhưng sẽ giảm 30%-40% năng suất, số còn lại có nguy cơ mất trắng.
Muốn cứu lúa nhưng bó tay
Ông Vọng cho biết 7h ngày 27/3, ông nhận được tin từ cấp trên về việc thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) sẽ xả lũ. 9h thì nước đã tràn trắng đồng, làng xóm ở vùng hạ du. “Sáng đó, chúng tôi chuẩn bị đi triển khai phòng chống hạn nhưng đùng một cái thì nhận được tin xả lũ. Họ xả lớn quá, nước về mạnh như sóng thần khiến nhiều tuyến đê bao vỡ, Tỉnh lộ 4B cũng tràn nước. Chúng tôi nhanh chóng triển khai cứu lúa nhưng nước như thế thì bó tay” - ông Vọng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sịa 1 (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền), cho biết ngay cả cơn lũ lịch sử năm 1999 phải 2 ngày sau mới ngập nhưng vừa qua chỉ 2 giờ đã trắng đồng thì biết thủy điện xả lũ mạnh như thế nào rồi. “Sáng đó, chúng tôi ra cứu lúa mà chẳng làm được gì” - ông Quy nhận xét và cho biết nước về mạnh khiến tuyến đê bao đồng với hơn 100 ha lúa của HTX bị ngập nặng, đến nay vẫn phải bơm tiêu úng.
Trong ngày thủy điện Hương Điền xả lũ, tại vùng hạ du huyện Quảng Điền có 800 ha lúa và 32 ha hoa màu bị ngập. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, dù lường trước được thiệt hại ở hạ du nhưng vẫn phải xả nước ở hồ thủy điện Hương Điền nhằm tránh nguy cơ vỡ đập.
Ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định, quy trình xả lũ là đúng. Lượng mưa trong hai ngày 26 và 27/3 ở thượng nguồn sông Bồ gần 380 mm, trong chuỗi thủy văn ghi nhận hơn 50 năm qua tại tỉnh này chưa có trường hợp như thế này xảy ra vào cuối tháng 3. Đặc biệt, từ đêm 26 đến 7h ngày 27/3, lưu lượng nước về hồ Hương Điền từ 1.700-1.800 m3/giây với trên 80 triệu m3, trong khi hồ chỉ giữ được 50 triệu m3 nên buộc phải xả 30 triệu m3 về hạ du.
Những cánh đồng lúa ở hạ du sông Bồ trắng xóa vì thủy điện xả lũ. |
Theo đó, vào sáng 27/3, hồ xả 15 triệu m3 với lưu lượng trung bình khoảng 600 m3/giây, chiều và tối cùng ngày là 15 triệu m3. “Chúng tôi phải giữ nước trong hồ từ 1h ngày 27 đến 6h cùng ngày mới xả để hạn chế thiệt hại cho dân. Vì quá khẩn cấp nên lúc 5h, chúng tôi đã trực tiếp điện thoại cho lãnh đạo huyện, thông báo 6h xả lũ để họ triển khai ứng phó. Việc xả lũ đã giúp giữ hơn 50 triệu m3 nước về hạ du, nếu không thì cả 80 triệu m3 đổ về và hạ du nguy ngập hơn” - ông Thành trần tình.
Cũng theo ông Thành, vấn đề là do mưa bất thường, xảy ra ban đêm nên tình hình khẩn cấp, đột biến. Nếu có quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa kiệt nước thì chẳng thể áp dụng được. “Nếu dự báo khí tượng thủy văn tốt, dự báo trước một ngày với lượng mưa bao nhiêu, vào thời điểm nào, chúng tôi điều tiết xả nước trong hồ trước khi lũ về thì chẳng gây thiệt hại được” - ông Thành nói và cho hay sẽ tìm cách đề nghị tỉnh hỗ trợ người dân. Đối với thủy điện Hương Điền thì chỉ có thể kêu gọi họ hỗ trợ được chừng nào hay chừng đó chứ không thể yêu cầu đền bù vì quy trình đúng, các số liệu đều rõ ràng.
Nói dự báo kém là không chính xác!
Trong khi đó, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định đợt mưa vừa qua có chút bất thường so với số liệu nhiều năm nhưng cơ quan này vẫn dự báo được. Các bản tin dự báo thời tiết từ đêm 24 đến ngày 26/3, đài này dự báo tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, sáng 27/3 đã có bản tin cảnh báo lũ và đều gửi cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. “Chúng tôi chỉ dự báo được như vậy theo mặt định lượng chứ không thể dự báo chính xác lượng mưa theo mặt định tính nên chưa thể có bản tin cảnh báo lũ vào ngày 26/3. Vấn đề này các nước tiên tiến cũng chịu thôi” - ông Hòa khẳng định.
Theo ông Hòa, việc cơ quan chức năng nói bất ngờ về lượng mưa và buộc phải xả lũ tại hồ Hương Điền do dự báo thời tiết kém là không chính xác. Tại trạm quan trắc Phú Ốc trên sông Bồ vào 6h ngày 27/3, mực nước mới 1,2 m nhưng 12h cùng ngày đã lên tới 2,76 m, cho thấy việc xả lũ rất lớn. Với lưu vực 700 km2 của sông Bồ, trong trường hợp không có hồ thủy điện thì lưu lượng nước sẽ đổ về tự nhiên theo tốc độ chậm nên kịp điều tiết. Lũ ở Quảng Điền là do thủy điện xả với lưu lượng quá lớn, nước về mạnh nên trở tay không kịp.
Ông Phan Thanh Hùng khẳng định theo quy định phải thông báo cho chính quyền và người dân hạ du trước 6 giờ mới được xả lũ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và văn bản, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ở đợt xả lũ vừa rồi, do tính khẩn cấp, trường hợp bất thường nên ông trực tiếp điện thoại thông báo cho chủ tịch UBND các huyện trước 1 giờ. “Chúng tôi nhận thông tin nước về hồ quá lớn từ chủ hồ Hương Điền chỉ cách 2 giờ trước khi quyết định xả lũ về hạ du. Đây là trường hợp quá bất ngờ nên không kịp trở tay” - ông Hùng nói.
Bên nào sai phải chịu trách nhiệm
Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công Thương), cho biết việc xả lũ ở thủy điện Hương Điền đã được phía thủy điện thông báo cho cơ quan chức năng của địa phương.
Trước thông tin nhiều lãnh đạo xã ở địa phương này không nhận được tin, ông Quân cho rằng theo quy trình xả lũ, nếu có hành động xả lũ không đúng quy trình thì bên nào sai phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của địa phương là phải xem xét cụ thể việc để xảy ra xả lũ gây ngập lụt giữa mùa khô.
Nếu thủy điện không tuân thủ quy trình xả lũ thì ngoài việc địa phương - nơi đặt thủy điện - có quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm thì Bộ Công Thương cũng sẽ có ý kiến.